Năm 2024, BAF đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 6%; lãi ròng gần 306 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước, là mức cao thứ 2 kể từ khi thành lập năm 2017. Được biết, lợi nhuận cao nhất lịch sử BAF là 2021 với mức lãi ròng 322 tỷ đồng.
Theo thông tin từ tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa công bố, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) đề ra một kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng.
Theo kế hoạch cụ thể, doanh thu mục tiêu của năm 2024 sẽ là hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước; và lợi nhuận sau thuế gần 306 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm trước, đạt mức cao thứ hai kể từ khi công ty được thành lập vào năm 2017. Được biết, lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của BAF là vào năm 2021, đạt mức lãi ròng 322 tỷ đồng.
Về sản lượng, BAF dự kiến mảng chăn nuôi sẽ có sản lượng heo bán ra năm 2024 gần 610 ngàn con (96% heo thịt, 4% heo giống), tăng gấp 2,1 lần so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp của mảng chăn nuôi dự kiến là 23%.
Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, doanh thu dự kiến đạt 144 tỷ đồng, lãi sau thuế ước tính đạt hơn 3 tỷ đồng, chiếm 1% lợi nhuận tổng hợp. Mảng kinh doanh nông sản dự kiến doanh thu 2.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 32 tỷ đồng, chiếm gần 11% lợi nhuận của toàn công ty.
Điều đáng chú ý nhất trong kế hoạch của BAF là mảng phát triển trang trại. Trong năm 2024, công ty dự kiến đưa vào hoạt động 7 dự án trang trại, bao gồm 4 trại ở Tây Ninh (Tân Châu, Tâm Hưng, Hải Đăng, Tây An Khánh), 1 trại ở Phú Yên (Phú Yên 2), 1 trại ở Bình Phước (Thiên Phú Sơn), và 1 trại ở Gia Lai (Hùng Phát Farm 1). Trong số này, cụm trại Hải Đăng (quy mô 5.000 nái và 60.000 heo thịt), trại Tân Châu (30.000 heo thịt) và trại Tâm Hưng (5.000 heo nái) đã bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2024.
Đồng thời, BAF dự kiến khởi công thêm 7 dự án trong năm 2024, gồm 6 dự án trang trại chăn nuôi và 1 dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định. Dự kiến, tổng đàn vào cuối năm 2024 sẽ gấp đôi so với cùng kỳ, nâng lên 75.000 heo nái và 800.000 heo thịt.
Bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh, HĐQT BAF đề xuất ba phương án để tăng vốn điều lệ. Một là tiếp tục triển khai phương án chia cổ tức tỷ lệ 17% bằng cổ phiếu. Hai là phát hành cổ phiếu ESOP tỷ lệ 5%. Ba là chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:47 (tương đương cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được mua 47 cổ phiếu mới), với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.
Các phương án trên đã được ĐHĐCĐ 2023 thông qua. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến sẽ nâng lên 2.435 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt phát hành (dự kiến 684 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để bổ sung vốn phục vụ hoạt động chăn nuôi, kinh doanh nông sản, góp vốn vào các công ty con để xây dựng trang trại.
Ngày 2/4 vừa qua, BAF đã công bố nghị quyết về việc triển khai phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 5% theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. Theo đó, BAF dự kiến phát hành 7,17 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đối tượng phát hành là Thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát, nhân sự chủ chốt của BAF và các công ty con có tên trong danh sách người lao động được mua cổ phiếu ESOP theo phê duyệt của HĐQT. Số cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2024, sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép.
Ngoài ra, BAF đề xuất việc miễn nhiệm và bầu thay thế, bổ sung thành viên HĐQT. Cụ thể, 2 thành viên HĐQT là ông Bùi Quang Huy và ông Nguyễn Duy Tân đã nộp đơn xin từ nhiệm, lần lượt từ ngày 30/09/2023 và 26/04/2024. Do đó, BAF cần bầu bổ sung 2 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm (2024-2029).
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của BAF sẽ được tổ chức vào 8h30 ngày 26/04/2024, tại Trung tâm sự kiện White Palace số 588 Phạm Văn Đồng, Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Theo báo cáo từ TP Securities, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Theo ước tính của OECD, sản lượng thịt heo của Việt Nam dự kiến đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và 4.7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3.1%/năm. Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 95% sức tiêu thụ trong nước.
Vì vậy, lĩnh vực chăn nuôi là ngành có nhiều tiềm năng, đang thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ cả nước ngoài và trong nước. Triển vọng của các doanh nghiệp ngành heo được đánh giá là tích cực trong dài hạn. Trong ngắn hạn cũng có những dấu hiệu cho thấy sự đi lên.
Từ đầu năm 2024, giá heo hơi trung bình cả nước đã có sự phục hồi, có lúc vượt lên trên 56,000 đồng/kg (có những địa phương lên tới 58,000 đồng/kg). Nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp tết Nguyên đán là cơ sở để nhiều doanh nghiệp tin vào kết quả tốt trong quý 1/2024.
Về vấn đề heo nhập lậu, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT BAF – cho là một rủi ro có thể kiểm soát, dựa trên việc các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát kể từ giữa tháng 1/2023.