QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hiệp định RCEP làm lợi cho Trung Quốc, Nhật Bản hơn Việt Nam?

Nhiều ý kiến cho rằng Hiệp định đối tác kinh doanh toàn diện khu vực (RCEP) có khả năng mang lại lợi ích cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hơn các quốc gia thành viên khác.

Hiệp định RCEP làm lợi cho Trung Quốc, Nhật Bản hơn Việt Nam?

Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng RCEP dự kiến đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia. Tuy nhiên, xét về lợi ích cụ thể, các nhóm nước khác nhau sẽ có lợi ích khác nhau.

Cụ thể, với tất cả các nước ASEAN, đây là hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường. Nguyên do là ASEAN đều đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác. RCEP được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực.

Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang có có nhiều biến động và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thể đóng vai trò hiệu quả trong giải quyết các xung đột thương mại như trước đây.

Với 5 nước đối tác của ASEAN là Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand, RCEP mang lại lợi ích từ việc mở cửa thị trưởng mới cho các nước này, đặc biệt là giữa các nước hiện chưa có quan hệ FTA.

Khác với các nước ASEAN, trước khi thiết lập khu vực RCEP thì Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chưa có FTA với nhau, thậm chí quá trình đàm phán riêng giữa 3 nước này kéo dài nhưng không đạt được kết quả. Như vậy, với việc chung không gian của RCEP và với sự trung hòa quan điểm từ các nước ASEAN, các nước trên đã thống nhất được quan điểm với nhau.

Bên cạnh vấn đề trên, cũng có ý kiến chỉ ra Việt Nam là nước nhập siêu phần lớn từ các quốc gia trong RCEP (từ Trung Quốc 33,8 tỷ USD, từ ASEAN 7 tỷ USD, từ Úc 0,9 tỷ USD, từ Hàn Quốc 27 tỷ USD) và do đó lo ngại Việt Nam “chịu thiệt” khi tham gia hiệp định này.

Trả lời vấn đề trên, Bộ Công Thương cho rằng RCEP tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các nước. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường.

Vì thế, về cơ bản RCEP sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trước đây khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều quy định khác nhau giữa hiệp định của ASEAN và các nước đối tác. Với Hiệp định RCEP, các khó khăn này sẽ giảm đi do sẽ chỉ dùng chung một bộ quy tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực.

Tương tự, trước đây nếu có tranh chấp thương mại với một đối tác lớn thì các nước ASEAN cũng khó giải quyết hơn. Nay với một cơ chế mang tính đa phương với cả 15 nước tham gia thì các quy tắc thương mại sẽ được tuân thủ triệt để hơn.

“Với góc độ như vậy, hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí là có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn.

“Quá trình đàm phán các cam kết về mở cửa thị trường trong RCEP đều có sự nghiên cứu và góp ý chặt chẽ từ các các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng bác bỏ luận điểm RCEP làm tăng mức độ phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc. Theo bộ này, Việt Nam đã tham gia cùng các nước ASEAN để mở cửa thị trường với Trung Quốc thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010.

Với tỷ lệ tự do hóa thuế quan mà Việt Nam cam kết với Trung Quốc theo RCEP không cao hơn so với ACFTA, việc thực thi RCEP về cơ bản sẽ không tạo ra áp lực cạnh tranh mới và gia tăng cam kết mở cửa thị trường với Việt Nam.

Ngoài ra, với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP bao gồm Trung Quốc với sức cạnh tranh cao hơn khi chỉ khai thác ACFTA, do đó có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

“Như vậy, RCEP về cơ bản có thể coi là việc các nước ASEAN đa phương hóa quan hệ thương mại song phương trước đây đã có với Trung Quốc dựa trên các quy định của WTO có được các nước cập nhật cho phù hợp với tình hình mới. Do vậy, không thể nói RCEP là hiệp định khiến ASEAN phụ thuộc hơn vào bất cứ thị trường nào, có phụ thuộc ở đây thì là phụ thuộc vào các quy định mang tính đa phương, minh bạch và đã được quốc tế công nhận trong nhiều năm qua”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo Vĩnh Chi/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/hiep-dinh-rcep-lam-loi-cho-trung-quoc-nhat-ban-hon-viet-nam-20180504224246279.htm