QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt: EVN cần phải chịu trách nhiệm

 Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), việc hóa đơn tiền điện tăng cao trong thời gian qua, nhiều lúc bất thường, đã khiến người dân thấy có nhiều nghi vấn, mập mờ cần phải làm rõ.

EVN cần phải chịu trách nhiệm khi hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt. Ảnh: Xuân Thọ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên có động thái làm minh bạch vấn đề này, với sự giám sát của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Thanh tra Chính phủ.Dân lo ngại cách tính tiền lũy tiến của EVN.
TS Thành cũng cho rằng: “Nếu không tin vào con số trong công tơ của EVN, người dân có thể lắp thêm một công tơ riêng trong nhà, nối tiếp từ nguồn điện vào của EVN để theo dõi, giám sát. Đồng thời cũng cần một đơn vị độc lập để kiểm tra việc kiểm định công tơ của EVN có đúng hay không. Đây là một việc rất phiền hà, cực chẳng đã. Nhưng như thế khỏi một mất mười ngờ.”
Trước lí giải của EVN về việc hóa đơn tiền điện tăng là do nắng nóng, người dân bật điều hòa nhiều. TS Thành cho rằng trong tháng nắng nóng cao điểm của mùa hè, người dân dùng điều hòa nhiều, dẫn đến tăng lượng điện tiêu thụ là đúng.
Nhưng vấn đề là có hiện tượng tăng hỗn loạn nên người dân không đồng tình. Người dân không ngây thơ, không dại dột, nên khi tăng quá mức, bất thường, thì họ có quyền đặt câu hỏi cách đo đạc của EVN có chính xác hay không và đây là điều EVN phải chịu trách nhiệm.

Một trong những hóa đơn tiền điện tăng vọt mà người dân phản ánh. Ảnh: Người dân cung cấp

TS Thành cũng cho rằng, hóa đơn tăng sốc và người dân có quyền nghi ngờ, người dân lo ngại cách tính mới khiến cho tiền điện lên nhanh. Thêm nữa, có người dân lo ngại lợi dụng giá tăng theo bậc nên EVN chuyển số dồn các tháng ít sang tháng nhiều để thu tiền lũy tiến.
Nhưng ngay cả như vậy, nhiều hộ chứng kiến việc giá tiền tăng đột biến hết sức bất hợp lí, ví dụ tăng 2-3 lần, thậm chí có hộ gia đình bình thường mà hóa đơn tiền điện lên đến 9 triệu đồng một tháng, bằng tiền thuê nhà.
“Trong bất kỳ tình huống nào, dù diễn giải theo cách nào hay với cách tính giá như thế nào, đó cũng là một điều bất hợp lý, vì chi phí cho tiền điện mà bằng tiền thuê nhà thì phải xem lại cấu trúc sản xuất của xã hội đó” – ông Thành khẳng định.
“Như vậy, cách tính giá điện bậc thang đang bộc lộ những bất cập, gây bức xúc hiện nay?” – phóng viên đặt câu hỏi. “Quả là cách tính phức tạp hơn, theo hướng lũy tiến như hiện nay, khiến nhiều người dân khó chịu, nhưng điều quan trọng là nhiều người cho rằng bản thân việc ghi chép số điện của EVN là không chính xác, có ý đồ và đẩy vấn đề trở nên trầm trọng hơn” – TS Thành nói.
EVN quá chậm chạp trong cải cách
Cũng theo TS Thành, cách hành xử như EVN hiện nay là kết quả của sự độc quyền trong khâu phân phối, bán lẻ điện và đó mới là điều bất cập căn bản. Điều này dẫn tới sự thiếu minh bạch trong các hóa đơn điện, đã gây ra những trường hợp mà người dân phải ngậm đắng nuốt cay, dẫn tới cảm giác EVN làm việc không đàng hoàng và người dân rất không hài lòng.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để tạo nên sự hài lòng và công bằng về giá điện, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng có hai nhóm chính sách cần thực hiện.
Nhóm thứ nhất là chính sách dài hạn, căn cơ, liên quan đến cải cách ngành điện, đặc biệt là ở thị trường bán lẻ. Thị trường bán lẻ không nhất thiết chỉ do một công ty nhà nước kiểm soát độc quyền, mà hoàn toàn có thể do nhiều công ty cùng hoạt động, cạnh tranh với nhau. Các công ty này lấy nguồn điện từ lưới của EVN để phân phối và bán lẻ.
Từ đó, cạnh tranh sẽ giúp các công ty bán lẻ đưa ra giá cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm ghi số chính xác, cách tính giá hợp lý, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Thị trường này vận hành giống như thị trường bán ga đun bếp hoặc truyền hình cáp. Điều này cũng đã nằm trong kế hoạch cải cách chung của ngành điện nhưng EVN thực hiện quá chậm chạp.
“Trong ngắn hạn hơn, chúng ta có thể tạm thời chưa có giải pháp căn cơ như đã được đề cập, thì các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, thanh tra, yêu cầu EVN giải quyết khiếu nại của người dân với thái độ cầu thị, vì EVN gây ra những việc đó. EVN không được cửa quyền, trừng phạt người dân bằng cách cắt điện. Từ phía người dân, họ có thể tự bảo vệ mình và kiểm tra EVN bằng cách lắp đặt thêm các thiết bị đo để kiểm chứng.”  TS Thành nhấn mạnh.
Sau cùng, TS Thành nói mục đích của mọi cải cách ngành điện là làm biến đổi hành vi của EVN đối với người dân, sao cho có sự minh bạch hơn, trung thực hơn và tôn trọng hơn.

Theo Xuân Thọ/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/24-7/hoa-don-tien-dien-tang-chong-mat-evn-can-phai-chiu-trach-nhiem-175310.html