QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hòa Phát ‘rót’ thêm 5.000 tỷ, nâng vốn điều lệ của Hòa Phát Dung Quất lên 25.000 tỷ

Hòa Phát ‘rót’ thêm 5.000 tỷ, nâng vốn điều lệ của Hòa Phát Dung Quất lên 25.000 tỷ

Cùng với việc tăng vốn điều lệ của Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất lên 25.000 tỷ đồng, Tập đoàn Hòa Phát cũng tiến hành góp thêm vốn vào Công ty Tôn Hòa Phát.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) vừa công bố Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc tăng vốn góp của Hòa Phát tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất.

Theo nghị quyết, HĐQT Hòa Phát quyết định thông qua việc tăng vốn góp tại Hòa Phát Dung Quất thêm 5.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên đến 25.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Hòa Phát tại Hòa Phát Dung Quất theo đó sẽ tăng từ 99% lên 99,2%.

Hòa Phát cho biết mục đích tăng vốn là nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn góp là bằng khoản vay hợp vốn nước ngoài do Ngân hàng BNP Paribas làm đầu mối và bằng vốn tự có.

HĐQT Hòa Phát cử Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương quản lý phần vốn tăng thêm tại Hòa Phát Dung Quất, đồng thời hoàn tất thủ tục góp vốn.

Được biết, Hòa Phát đang tập trung cho tiến độ hoàn thiện Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất nhằm đạt tổng công suất 4 triệu tấn thép xây dựng vào năm 2019 và 5 triệu tấn thép xây dựng từ 2020.

Không chỉ tăng vốn tại Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn Hòa Phát còn tăng vốn cho Công ty TNHH Tôn Hòa Phát. Theo đó, HĐQT Hòa Phát quyết định “rót” thêm 500 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ tại Tôn Hòa Phát lên 1.500 tỷ đồng. Mục đích tăng vốn là phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn vốn góp là khoản vay hợp vốn nước ngoài do Ngân hàng BNP Paribas làm đầu mối.

HĐQT Hòa Phát cử Thành viên HĐQT Nguyễn Mạnh Tuấn quản lý phần vốn tăng thêm tại Tôn Hòa Phát, đồng thời giao cho Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương hoàn tất thủ tục góp vốn.

Tổng vốn giải ngân tính cho dự án Dung Quất đến ngày 30/9/2018 là khoảng 18 nghìn tỷ đồng (tổng vốn đầu tư dự kiến là 40 nghìn tỷ đồng). Trong đó vốn tự có là khoảng 11 nghìn tỷ đồng và 7 tỷ đồng là vốn vay.

Ban đầu, Hòa Phát sẽ tập trung sản xuất phôi thép phục vụ cho nhà máy cán thép mới tại Dung Quất để sản xuất thành phẩm thép xây dựng trước khi đưa Giai đoạn 1 đi vào hoạt động vào đầu năm 2019. 

Hòa Phát sẽ sử dụng một phần phôi thép chất lượng cao từ Giai đoạn 1 dự án Dung Quất làm đầu vào cho nhà máy sản xuất thép dự ứng lực. Nhà máy thép dự ứng lực của Hòa Phát đã đi vào hoạt động trong tháng 9. Nhà máy này nằm gần Khu liên hợp Dung Quất. Hòa Phát được coi là công ty đi tiên phong trong việc sản xuất thép dự ứng lực chất lượng cao, thay thế hàng nhập khẩu. Công suất thiết kế giai đoạn 1 của dự án là khoảng 160.000 tấn/năm với chi phí đầu tư là 1 nghìn tỷ đồng, sản xuất 3 sản phẩm: cáp dạng thanh, tao cáp và sợi cáp đơn.