QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hoàng Anh Gia Lai (HAG): Lỗ “phình” to sau khi khoản nợ 5.000 tỷ đồng xuất hiện

Báo cáo tài chính hợp nhất (cập nhật) quý IV/2020 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) mới đây bất ngờ ghi nhận mức lỗ sau thuế 2.175 tỷ đồng cả năm – lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.201 tỷ đồng trong khi năm trước đó có lãi 190 tỷ đồng.

Nhưng có một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của HAGL được ông Phan Lê Thành Long, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – kế toán chỉ ra là công ty đã điều chính hồi tố ghi nhận thêm lỗ 4.916 tỷ đồng vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2019.

Các khoản mục trên bảng cân đối kế toán của HAGL tại thời điểm 31/12/2019 đã được trình bày lại tại báo cáo quý IV/2020 trong đó số lợi nhuận/lỗ lũy kế chưa phân phối từ +291 tỷ đồng đã giảm xuống -4.625 tỷ đồng sau điều chỉnh. Lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2020 được HAGL ghi nhận -5.086 tỷ đồng.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2020

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, Ernst & Young Vietnam đã đưa ra ý kiến ngoại trừ do không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi dư nợ 5.669 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2019) trên tổng giá trị phải thu ngắn – dài hạn 10.505 tỷ đồng.

Theo những gì mà ông Phan Lê Thành Long chia sẻ, nếu HAGL lập dự phòng trong năm 2020, số lỗ phải là hơn 5.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế HAGL đã hồi tố về quá khứ, thậm chí coi là sự kiện diễn ra từ trước năm 2019 nên cũng không thay đổi gì đến kết quả kinh doanh của năm 2019 ngoại trừ việc ghi nhận thêm lỗ lũy kế.

Trước đây vào đầu năm 2017, HAGL cũng gây xôn xao khi điều chỉnh hồi tố kết quả kinh doanh của năm 2016 liên quan đến thương vụ bán HAGL Sugar.

Ngày 10/9/2020, HĐQT HAGL đã thông qua nghị quyết về việc chuyển đổi số dư nợ phải thu của Công ty Chăn nuôi Gia Lai với số tiền 5.866 tỷ đồng thành cổ phần tương ứng 88% quyền sở hữu. Theo đó, Chăn nuôi Gia Lai trở thành công ty con của HAGL từ ngày này. Nói cách khác, khoản nợ của Chăn nuôi Gia Lai với HAGL đã được xóa và chuyển đổi thành cổ phần.

Việc chuyển đổi nợ Công ty Chăn nuôi Gia Lai khiến cho giá trị các khoản phải thu về cho vay dài hạn giảm mạnh trong năm 2020, từ 7.514 tỷ đồng xuống còn 1.783 tỷ đồng. Các khoản phải thu dài hạn khác giảm từ 748 tỷ đồng xuống 515 tỷ đồng.

Nhưng phải thu về cho vay ngắn hạn khác tăng từ 2.267 tỷ đồng lên 4.186 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác tăng từ 467 tỷ đồng lên 632 tỷ đồng.

Phần lớn trong số này là phải thu của Công ty Cổ phần Lê Me (công ty liên quan). Giá trị phải thu cho vay ngắn hạn công ty này 3.644 tỷ đồng; phải thu cho vay dài hạn 840 tỷ đồng; lãi cho vay 120 tỷ đồng; và tiền hợp tác kinh doanh 440 tỷ đồng.

Xin lưu ý, Chăn nuôi Gia Lai và Lê Me là hai “con nợ” lớn nhất của HAGL theo ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020.

Tại thời điểm 31/12/2020, dư nợ của HAGL vẫn còn rất lớn, bao gồm: 9.646 tỷ đồng nợ vay dài hạn; 8.456 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, đã tăng đáng kể trong năm (riêng của Nông nghiệp Trường Hải – Thaco 5.123 tỷ đồng); ngoài ra 3.748 tỷ đồng là chi phí lãi vay của các ngân hàng và trái phiếu… Tổng nợ mà HAGL gánh chịu lên tới gần 21.900 tỷ đồng.

Trong năm 2021 này, ông Đoàn Nguyên Đức cùng HAGL sẽ rút lui khỏi HNG, nhường lại quyền quản trị – điều hành cho Thaco.

HNG đã thông qua phương án chào bán gần 741,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Thaco, giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu trong đó 550 triệu cổ phiếu sẽ chào bán để hoán đổi nợ, gần 191,5 triệu đơn vị còn lại mục tiêu bổ sung vốn hoạt động. Sau khi tăng vốn thành công, sở hữu của nhóm HAGL tại HNG sẽ giảm xuống 24,3%. HAGL sẽ không hợp nhất kết quả kinh doanh cùng HNG.

Tại HNG, tại thời điểm 31/12/2020: Nợ vay ngắn hạn 7.297 tỷ đồng; nợ vay dài hạn 4.105 tỷ đồng; tiền vay các công ty, cá nhân gần 1.300 tỷ đồng. Tổng dư nợ phải trả 12.700 tỷ đồng.

Theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/hoang-anh-gia-lai-hag-lo-phinh-to-sau-khi-khoan-no-5000-ty-dong-xuat-hien-88531.html