QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hoạt động quan hệ cổ đông vẫn là nỗi trăn trở của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp

“Chất lượng quan hệ nhà đầu tư không chỉ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Mặc dù hoạt động quan hệ cổ đông (IR) đóng vai trò hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, không chỉ trước mắt mà cả về dài hạn, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đúng mức tới hoạt động này…”

Toạ đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông (IR) doanh nghiệp ngành dầu khí” diễn ra sáng ngày 5/3

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư tại cuộc Toạ đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông (IR) doanh nghiệp ngành dầu khí”.

Cũng tại buổi toạ đàm, ông Đinh Văn Sơn – Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đánh giá hoạt động IR mà các doanh nghiệp dầu khí hiện nay nhìn chung chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp, cách thức triển khai hoạt động chưa đồng đều, nhất quán. “Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhiều đơn vị chưa thực sự làm tốt công tác IR này thì có những doanh nghiệp khá chú trọng vào các hoạt động quan hệ nhà đầu tư. Ông Sơn liệt kê một số ví dụ như: Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Phú Mỹ (HoSE: DPM), Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM), Tổng công ty Dầu Việt Nam (UPCoM: OIL), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW).

Phân tích sâu hơn về tầm quan trọng và lợi ích của công tác IR, đại diện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc cho hay khi hoạt động IR hiệu quả sẽ tăng cường tính minh bạch, duy trì mối quan hệ với các cổ đông trung thành và thu hút cổ đông mới, thu hút thêm sự quan tâm của giới đầu tư, phải ánh đúng giá trị doanh nghiệp.

Đứng từ phía doanh nghiệp, bà cũng nêu lên những mặt trái của công tác IR không hiệu quả như: IR không minh bạch, che giấu thông tin, chỉ đưa thông tin một chiều, thông tin không được công bố rộng rãi, công khai, đầy đủ, chính xác, thông tin không được cập nhật thường xuyên hoặc theo định kỳ.

Đối với công tác IR không chuyên nghiệp, bà Bích cho hay việc này sẽ khiến cho các cổ đông ít giao tiếp, không tạo được mối quan hệ tốt với nhà đầu tư; không phản hồi kịp thời ý kiến của cổ đông/nhà đầu tư,…

Những yếu tố này, theo Phó Tổng giám đốc PV Power, sẽ khiến cho hoạt động IR không thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư và chuyên gia phân tích; các chuyên gia phân tích không có đủ thông tin để làm báo cáo; nhà đầu tư trở nên nghi ngờ về giá trị doanh nghiệp hoặc sẽ khiến cho tính thanh khoản thấp, giá cổ phiếu thấp,…

Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc phát triển quan hệ và đối ngoại quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng IR là một phần quan trọng và không thể tách rời với hệ thống quản trị công ty. Gắn kết này nhằm hỗ trợ cho những mục tiêu của công ty và tạo ra những giá trị kinh tế bền vững, dài hạn cho cổ đông.

Quan sát từ thực tế, ông cho hay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tổ chức công tác IR. Cùng với đó, phần lớn IR được tổ chức chưa chuyên nghiệp; hầu hết các hoạt động IR là bị động, chủ yếu là công bố thông tin theo luật định.

Ông cũng nhận định hoạt động IR chỉ diễn ra tại đại hội cổ đông, còn thiếu vắng các hoạt động với nhà đầu tư giữa 2 kỳ đại hội.

Một số vấn đề khác cũng được đại diện Dragon Capital nêu như: ban giám đốc quá bận rộn và không thể dành nhiều thời gian cho IR, thông tin trên trang web có mục IR nhưng chưa cập nhật thường xuyên.

Cũng theo ông, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp nhà đầu tư nước ngoài do thiếu người vừa hiểu doanh nghiệp vừa có khả năng giao tiếp ngoại ngữ. Cùng với đó, văn hoá đối thoại và cách hành xử công bằng trong việc cung cấp thông tin tới cổ đông, nhà đầu tư chưa được coi trọng.

Theo đó, đại diện quỹ Dragon Capital cho rằng để việc tổ chức và triển khai hoạt động IR hiệu quả, HĐQT doanh nghiệp cần thể hiện cam kết cao để hướng công ty đến một văn hoá đối thoại cởi mở hơn với các cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng, các chuyên viên phân tích và báo chí.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tiến đến thành lập bộ phận chuyên trách IR, chỉ định rõ chuyên viên chuyên trách IR; quán triệt rõ với nội bộ tầm quan trọng của IR, quyền hạn và những hỗ trợ cần thiết;… thường xuyên rà soát kế hoạch và hoạt động IR, theo dõi và tiếp nhận những phản hồi từ thị trường và nhà đầu tư để có những hiệu chỉnh kịp thời và quản trị tốt rủi ro.

Theo Anh Phan/VietnamFinance