QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hơn 38 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam và câu chuyện 30 hướng ngoại thị trường

Tính đến ngày 20/12 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018…

Bất động sản tiếp tục là một trong những ngành đón lượng vốn FDI lớn trong năm 2019

Số liệu trên vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố trong báo cáo mới nhất.

Cụ thể, cả nước có 3.883 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 16,75 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án giảm từ  5,9 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,3 triệu USD năm 2019.

Về vốn điều chỉnh, có 1.381 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,8 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ (bình quân 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh) và không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.

Về góp vốn, mua cổ phần, có 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng càng lớn trong tổng vốn FDI.

Nếu như vào năm 2017, vốn đầu tư theo hình thức này chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký thì đến năm 2018 đã tăng lên mức 27,9% và năm 2019 là 40,7%. Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 45,8% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản với 17,8% tổng giá trị .

Trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ,…

Trong năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ.

Mặc dù vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài năm 2019 tăng so với cùng kỳ nhưng có thể thấy rằng mức tăng đã suy giảm so với năm 2017 và 2018 (năm 2017 vốn thực hiện tăng 10,7% so với năm 2016, năm 2018 vốn thực hiện tăng 9,1% so với năm 2017).

Tính lũy kế, cả nước có 30.827 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 362,58 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

30 năm mở cửa thu hút vốn FDI

Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay vốn FDI đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm trong 30 năm qua, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới mà đã đến lúc chúng ta cần điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp.

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác FDI đến năm 2030”. Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta trong thời kỳ mới.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian qua đầu tư nước ngoài đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta trở thành một quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả của vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế nước ta chưa tương xứng với số lượng của mức đầu tư. Trong một chừng mực nào đó, đầu tư FDI không có sự lựa chọn không những không kết nối được với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước mà còn có hiện tượng chèn lấn khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Số liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 2 phần trong 10 phần của FDI. Giá trị gia tăng các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam là tương đối thấp. Trong các FDI cũng có sự chuyển giá, có hiện tượng gian lận thương mại, chúng ta phải có những biện pháp rất chuyên nghiệp, quyết liệt để có thể khắc phục trong thời gian tới.

“Chính vì vậy chúng tôi rất hoan nghênh Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã định hướng cho hệ thống thể chế pháp luật, định hướng dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, ông Lộc nhận định.

Còn theo quan điểm của ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Tôi cho rằng nếu chúng ta chỉ nhìn những con số để quy chụp đầu tư nước ngoài lấn át trong nước thì chúng ta cần phải cân nhắc. Thay vì việc phê phán, chúng ta cần thúc đẩy chính các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Trong Nghị quyết 50 cũng có đề cập đến vấn đề đảm bảo tính kết nối liên thông giữa đầu tư nước ngoài với thị trường trong nước là một yêu cầu rất bắt buộc và cũng chỉ ra những định hướng rất rõ ràng.

Ngoài việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài mua hàng hóa của doanh nghiệp trong nước, Bộ Chính trị cũng chỉ ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Bàn về câu chuyện làm thế nào để kết nối các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, theo ông Vũ Đại Thắng: Đây là một vấn đề chúng ta đã nhìn nhận ra từ rất lâu. Chúng ta đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp FDI mua nguyên vật liệu cung ứng trong nước; ngược lại đối với doanh nghiệp trong nước chúng ta cũng phải có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp của chúng ta để nâng tầm sản phẩm lên đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Thắng cũng cho rằng, chúng ta đã có nhiều yêu cầu, nhưng thực chất vẫn chưa làm được. Do vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030 lần này đã chỉ ra những giải pháp như tôi vừa chia sẻ, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ như anh Lộc có chia sẻ, dịch vụ mua sắm nguyên, nhiên vật liệu từ các doanh nghiệp trong nước, cung ứng dịch vụ cho họ.

Nhưng ngược trở lại, đối với doanh nghiệp trong nước, chúng ta phải có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để nâng tầm sản phẩm, đáp ứng chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có thể tham gia vào chuỗi giá trị đó. Đây là biện pháp chúng tôi cho rằng vừa kéo vừa đẩy.

“Trong quá trình xây dựng Đề án tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi được đi thực tế ở Hải Phòng. Hải Phòng là nơi thực thi rất nhiều chính sách thí điểm trong tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động về đầu tư nước ngoài, các mô hình quản lý mới, khu công nghiệp… rất nhiều chuỗi giá trị lớn của các nước được thành lập trên thành phố Hải Phòng.

Chúng tôi học hỏi được nhiều, từ đó đưa ra báo cáo với các cấp có thẩm quyền để tổng hợp trong Nghị quyết 50 này. Chúng tôi thấy rằng trong Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị có bóng dáng rất nhiều của TP. Hải Phòng”, ông Thắng chia sẻ.

Theo Quân Vương/Thời báo Chứng khoán

Xem bài gốc