Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa bổ sung hai “ông lớn” thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, đó là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN).
Theo HoSE, cả Petrolimex và Vietnam Airlines đều không được cấp margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2020 là số âm.
Điều này đồng nghĩa với việc các công ty chứng khoán sẽ không được cấp margin cho mã cổ phiếu PLX và HNV. Nhà đầu tư muốn giao dịch sẽ chỉ có thể thực hiện bằng tiền mặt. Thông thường, việc không được cấp margin sẽ tác động tiêu cực tới tính thanh khoản của cổ phiếu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh doanh của Petrolimex rất ảm đạm, doanh thu thuần ghi nhận ở mức 65.200 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ 2019. Khấu trừ giá vốn hàng bán hơn 62.000 tỷ đồng, Petrolimex thu về khoản lãi gộp 3.181 tỷ đồng, giảm 57% so với kết quả đạt được năm trước. Biên lãi gộp cũng giảm mạnh từ 8,1% còn 4,9%.
Khoản lợi nhuận gộp “khiếm tốn” cùng với các khoản thu nhập khác ít ỏi (doanh thu tài chính trên 510 tỷ đồng; lợi nhuận từ các công ty liên doanh – liên kết gần 260 tỷ đồng, lợi nhuận khác hơn 100 tỷ đồng) không đủ giúp Petrolimex gánh nổi các loại chi phí.
Cụ thể, chi phí bán hàng chỉ giảm 4% so với cùng kỳ 2019, đạt gần 4.080 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18%, đạt 337 tỷ đồng.
Chốt quý, Petrolimex ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 692 tỷ đồng. Trước đó, tại báo cáo tài chính quý II tự lập, con số này lên tới gần 1.080 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 có lãi 2.636 tỷ đồng.
Tương tự, sau 6 tháng hoạt động, Vietnam Airlines chỉ đạt doanh thu 24.944 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến hãng hàng không này lỗ ròng 6.678 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm, trong khi cùng kỳ lãi 1.517 tỷ đồng.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra trong tháng 8, cổ đông Vietnam Airlines đã chấp nhận phương án không chia cổ tức, không trích quỹ đầu tư phát triển để dành nguồn tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Lãnh đạo hãng hàng không này cũng nhấn mạnh trong tháng 8, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã và đang xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính cho hãng để duy trì thanh khoản và hoạt động liên tục.
Các biện pháp hỗ trợ bao gồm cấp tín dụng không quá 4.000 tỷ và cho phép Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.
Hiện tại, hãng đang trong quá trình đàm phán với một đối tác để hoàn thành việc ký thỏa thuận chính thức bán cổ phần tại một công ty liên kết. Trên cơ sở phê duyệt của các cơ quan quản lý có thẩm quyền và kết quả đàm phán hiện tại, doanh nghiệp kỳ vọng việc chuyển nhượng sẽ hoàn thành trong năm nay.
Theo Việt Anh/Vietnam Finance
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/hose-cat-margin-hai-qua-dam-thep-cua-cmsc-20180504224243281.htm