QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hương vị Tết: Cưới chuột!

Nếu Kù Kao Khải làm “Cưới chuột” vào dăm ba năm trước, có lẽ chúng ta đã chẳng thấy một “Cưới chuột” mang hình thù hiện tại.

Cưới chuột” của Khải ươm mầm từ văn hóa dân gian, nhưng từng nét khắc tạc thành hình đều phóng khoáng và thuần thục như tâm hồn dữ dội của gã nghệ sĩ miền biển mặn mòi đầy dư vị đời.

Chuột béo, chuột gầy kéo nhau ra từ giấy!

Sắp đầu năm Tý, nghe đâu có ông nghệ sĩ đẽo bộ tượng “Cưới chuột” “bắt trend”. Ấy thế mà ẵm ngay giải Nhì Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2019. Đám cưới chuột thì tranh Đông Hồ đã quen quá, định bụng ngó xem “Cưới chuột” của giáo làng Kù Kao Khải hình thù ra sao. Thế mà… hay thật!

Thành thực với nhau, ai cũng biết cưới chuột chẳng phải đề tài gì mới. Chất liệu từ tranh dân gian đó thôi, chẳng qua đắp thêm hình hài, tạc thêm đường nét, tô thêm màu sắc mà thôi. Nói thì đơn giản thế, nhưng để thoát hẳn khỏi cái bóng lớn từ tranh dân gian thì nghe chừng khó quá. Bởi Đám cưới chuột trên giấy điệp Đông Hồ đã ăn sâu cả vào tâm thức nhiều thế hệ người Việt mất rồi. Đến đám trẻ nít cũng thuộc vanh vách. Thế thì làm ăn gì!

Vậy mà Khải làm, lặng lẽ và tự nhiên lắm. Cưới chuột của Khải đủ đầy mà dữ dội, như một sự vượt thoát khỏi địa hạt dân gian khi đôi cánh nghệ thuật đã chín và góc nhìn nghệ sĩ đủ lắng sâu.

Những chú chuột mượt mà béo mỡ trong tranh Đông Hồ xưa, nay bước ra ngoài đời thực với đủ mọi sắc thái sống động như người. Chuột béo, chuột gầy, chuột cười, chuột khóc đủ cả, nối đuôi nhau đằng đẵng trong một đám cưới đủ kiệu hoa sơn son thếp vàng và nhạc sống rình rang. Khải thêm vài nhát đẽo, tăng hoặc giảm tay đục, kéo dài biên độ rộng khóe miệng, đuôi mắt hay cái nhăn mày của chuột ta, thế là ra hình hài mà chẳng cần toan tính. Chuột đứng hai chân, hỉ nộ ái ố hiện rõ mồn một trên từng gương mặt, sao mà “người” đến thế!

Khải đục, Khải đẽo. Đục ra điệu hồn, đẽo ra dáng đời!

Từng chi tiết kiệu hoa cũng được lồng ghép khéo léo những hoa văn cung đình truyền thống uy nghi, trên đỉnh kiệu tọa 4 ông mèo bệ vệ. Bớt đi phần dữ dằn, nhiều thêm phần quyền uy, “tứ miêu” của Khải khác xa hình tượng mèo “gian ác” trong tranh dân gian Đông Hồ. Sự kế thừa và phát triển không chỉ thể hiện ở hình tượng điêu khắc, mà còn thể hiện ở số lượng cá thể xuất hiện trong Cưới chuột: 24 chú chuột và 4 ông mèo, khác với tranh Đám cưới chuột 12 chú chuột và 1 ông mèo. Ý niệm “sinh sôi” đầy nhân văn ẩn giấu sâu kín dưới nghệ thuật sắp đặt hoành tráng, sống động.

Hiệu ứng thị giác được phóng đại thông qua kích cỡ tác phẩm gần tương đương người thật cùng gam màu sắc tương phản đen – vàng – đỏ – xanh kết hợp phóng khoáng đập mạnh vào giác quan. 4 gam màu này vốn đã được thể hiện trong nguyên tác Đám cưới chuột của Đông Hồ, nhưng màu tranh hiền và duy mỹ quá, nét vẽ tròn trĩnh và trọn vẹn quá. “Cưới chuột” của Khải thì khác, biên độ màu sắc sắc lẹm cá tính với những đường cọ phóng khoáng, dứt khoát đầy cảm thức nghệ thuật. Thô ráp và trần trụi, Khải như muốn đem hết những góc cạnh của đời vào tác phẩm, mài nó bằng nhát đục nhát cưa cùng thứ gỗ mộc giản dị bình thường.

Đi từ dân gian đến đương đại, đám cưới chuột của Khải cũng cách tân nhiều. Tình yêu của cặp tân lang tân nương chuột thể hiện bằng hình khối trái tim sơn son đỏ chót táo bạo. Khải lượm lặt vài đoạn dây điện buộc vội đưa vào tác phẩm, làm dây treo lễ vật lủng lẳng trên tay chuột. Cứ như gã nghệ sĩ đã gom cạn chất liệu quê, hồn quê và tình quê đương đại để đưa vào “Cưới chuột” vậy. Lạ mà quen…

Khải ơi, mắt sâu gạn lắng bão đời…

Thật ra thì luôn tồn tại một khoảng cách nhất định giữa con người nghệ sĩ mà ta quen qua tác phẩm với con người nghệ sĩ ngoài đời. Nghệ sĩ trong tác phẩm là một bản thể trong sáng nhất, sâu sắc nhất và đẹp đẽ nhất, nơi phong cách nghệ thuật độc đáo đại diện hoàn toàn cho một cá nhân. Còn nghệ sĩ ngoài đời, ôi thôi đời vùi dập đủ cả, chồng chất gánh nặng cơm áo gạo tiền, khó mà giữ được sự thuần khiết như trong tác phẩm. Nhưng luôn luôn có một mối liên kết và giao thoa nhất định giữa hai bản thể khác biệt ấy. Ở Khải, sự giao thoa toát lên từ đôi mắt rất sâu, rất tình, rất đời.

Chừng ấy năm vật vã với sự khắc nghiệt của đời không làm Khải tủn mủn đi, chỉ làm Khải sâu sắc thêm, dù gã vẫn nói nhiều đến hồn nhiên và cười nhiều đến nhăn khóe mắt. Có chăng, thời gian khiến Khải đằm xuống, lắng lại chất nghệ sĩ dữ dội ban đầu bằng chiều sâu và sự bình thản.

Vậy nên, Khải đến với Cưới chuột bằng một cảm thức nghệ thuật rất khác, dung hòa, thản nhiên. Nếu Đám cưới chuột trong tranh Đông Hồ phản ánh mối quan hệ thiên địch giữa hai loài mèo và chuột, thể hiện sự châm biếm sâu cay với thói hối lộ, nạn quan tham thời phong kiến; thì Cưới chuột của Khải đẩy lên mối quan hệ cộng sinh hài hòa giữa hai giống loài tưởng chừng đối lập.

Không còn nhiều hàm ý châm biếm, sự cống nạp của đàn chuột tựa như một cách cư xử khéo léo mềm mại, “dĩ hòa vi quý” mà ta vẫn bắt gặp trong cuộc sống thường nhật đó thôi. Dịu đi nét dữ dằn, mối tương quan mèo – chuột bất ngờ trở thành một sự tồn tại dựa vào nhau, vì nhau, lấy nhau làm tiền đề. Trong lý luận triết học, các triết gia gọi đây là quy luật thống nhất biện chứng giữa hai mặt đối lập; tức là sự nương tựa và tồn tại không tách rời.

Từ đề tài dân gian, Khải tự biến mình thành triết gia khi kể lại Cưới chuột bằng chất liệu nghệ thuật, lăng kính cảm thụ của riêng mình. Đó chính là sự dũng cảm vượt thoát trên nền tảng lao động tinh thần công phu và lối tư duy khác lạ.

Cưới chuột của Khải nhận được nhiều tiếng vang trong giới điêu khắc. Sau cùng, tác phẩm về tay chủ một nhà hàng sang trọng ở Hà Nội, người anh thân thiết, cũng là người bảo trợ nghệ thuật cho gã giáo làng. Kể từ khi hai con người “cùng tần số” gặp gỡ nhau, nhiều tác phẩm của Khải đều về tay người anh này, như một sự thưởng thức tài hoa và đồng điệu tâm hồn. Suy cho cùng, hạnh phúc lớn lao nhất với người nghệ sĩ chẳng phải bán được tác phẩm hay không, mà tác phẩm có đến tay người trân trọng thấu hiểu nó hay không. Hơn nhiều nghệ sĩ chật vật với nghề, Khải may mắn vì có một “tri kỷ” như thế.

Cũng dễ hiểu thôi, vì Khải là một sự tồn tại rất khác trong nghề. Thay vì đào sâu vào tư duy tác phẩm để tìm một hướng đi khác trên nền tảng văn học dân gian, Khải chọn cách đào sâu vào tâm hồn mình để ươm mầm linh cảm nghệ thuật mới. Từng nhát đẽo, nhát đục không những khắc lên nền gỗ sơn, mà còn mài giũa tâm thức Khải sắc nhọn, tinh tường hơn qua thời gian. Dường như người ta còn nghe thấy thấp thoáng phía sau Cưới chuột một nụ cười bình thản của gã giáo làng đã “thấm” nhiều phong ba, trải nhiều cơ sự.

Nếu Khải làm Cưới chuột vào dăm ba năm trước, có lẽ chúng ta đã chẳng thấy một Cưới chuột mang hình thù hiện tại.

Theo Thuỳ Dung/Thương Gia

http://thuonggiaonline.vn/huong-vi-tet-cuoi-chuot-28891.htm