QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hương vị Tết: Thương Gia Chợ Lớn…!

Trong dòng chảy lịch sử hình thành và phát triển từ lâu khu vực Chợ Lớn nơi quy tụ đông đảo người Hoa cư trú đã trở thành một thị trường nhộn nhịp sầm uất bậc nhất Nam bộ, với những tên tuổi thương gia, thương hiệu sản phẩm hàng hóa nổi tiếng.

Sức mạnh cộng đồng

Theo tư liệu lịch sử, Chợ Lớn là tên của khu vực đông người Hoa sinh sống, nằm ven con kênh Tàu Hũ trải dài từ quận 5 tới quân 6 ngày nay. Khu vực này trước những năm 30 của thế 20 được lập thành một thành phố riêng biệt với Sài Gòn – Gia Định, gọi là thành phố Chợ Lớn. Người Hoa đến khu vực Chợ Lớn vào năm 1778, với bốn nhóm người thuộc các vùng: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu (Tiều) và Khách Gia (Hẹ). Trong đó, nhóm Quảng Đông chiếm đa số và cũng là nhóm có truyền thống kinh doanh buôn bán giỏi nhất.

Với phương châm “phi thương bất phú”, tính cần kiệm luôn được người Hoa Chợ Lớn đặt lên hàng đầu, coi như kim chỉ nam trong cuộc sống. Họ thuộc nằm lòng câu ngạn ngữ: “Trời chỉ cho ta 1 phần, 9 phần còn lại do ta tạo nên”. Có thế nói, tiết kiệm, cần cù siêng năng, kiên trì lao động là đức tính truyền thống tốt đẹp của họ.

Tiêu biểu cho đức tính cần kiệm chính là đại thương gia Quách Đàm (1863 – 1927) người làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu (Trung Quốc). Khi mới chân ướt chân ráo tới Chợ Lớn ông là người vô gia cư, hàng ngày cật lực lượm ve chai (đồng nát) đem bán kiếm tiền, đêm xuống co ro ngủ vỉa hè, ăn uống tiết kiệm tằn tiện kham khổ, nhưng luôn có nghị lực, ý chí vươn lên làm giàu. Sau một thời gian buôn bán ve chai có được ít vốn, với sự nhạy bén về thị trường thời đó, ông chuyển sang mua bán da trâu, vi cá dần dần phất lên.

Đến khi có một số vốn lận lung kha khá ông bắt đầu bước vào nghề kinh doanh gạo, thuê hẳn một căn nhà mặt phố trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) mở cửa hiệu buôn lớn lấy tên là Thông Hiệp. Nghề kinh doanh gạo gặp thời nhanh chóng phất lên, ông trở thành “vua gạo” cung cấp gạo lớn nhất Chợ Lớn và Nam bộ thời bấy giờ. Ông chính là thương gia đã bỏ tiền ra mua đất và xây dựng nên chợ Bình Tây, thường gọi là Chợ Lớn (quận 6) là khu chợ sầm uất bậc nhất xứ Nam bộ hiện nay.

Người Hoa ở Chợ Lớn hướng cho con cái tham gia lao động rất sớm và chúng được tập tành kinh doanh từ những bài học của cha mẹ, hoặc từ những ông, bà chủ mà chúng làm thuê. Nhiều cô cậu học sinh người Hoa Chợ Lớn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã ý thức được làm sao trong cuộc sống phải làm chủ được kinh tế mới là điều quan trọng. Chính vì thế giới trẻ người Hoa Chợ Lớn từ xưa tới nay sớm được tích lũy những kỹ năng giao tiến thương mại, kỹ năng nhạy bén trong nắm bắt thị trường, kỹ năng cơ bản trong các nhóm ngành nghề kỹ thuật…

Từ xưa người Hoa Chợ Lớn đã quan niệm “cô độc dĩ nan”, có nghĩa con người ta rất gian nan và khó có thể thành công trong thương trường, nếu đơn thương độc mã. Đối với họ yếu tố đoàn kết cộng đồng vì thế luôn được đưa lên hàng đầu.

Ý thức sâu sắc về sức mạnh cộng đồng trong văn hóa, triết lý kinh doanh trên thương trường, ngay từ khi đặt chân tới khu vực Chợ Lớn, xưa gọi là Đề Ngạn, các nhóm người Hoa đã thành lập các thương hội, hội quán, hội đoàn nhằm mục đích quy tụ những người đồng hương xa xứ lại để giúp đỡ tương trợ nhau khi họa nạn, hỗ trợ nhau về vốn lúc khởi nghiệp cũng như suốt quá trình kinh doanh, sản xuất hàng hóa…

Hiện nay ở khu vực Chợ Lớn có rất nhiều thương hội, hội quán, hội đoàn của người Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu hoạt động. Các hội này luôn đoàn kết sống quây quần theo cộng đồng nhóm dân cư và vẫn giữ được ngôn ngữ, cũng như những nét đặc trưng truyền thống về văn hóa nói chung, văn hóa kinh doanh, triết lý kinh doanh nói riêng.

Quan niệm “buôn có bạn bán có phường” chính là một trong những truyền thống trong văn hóa kinh doanh, triết lý kinh doanh của người Hoa Chợ Lớn. Vì thế ở Chợ Lớn, chúng ta dễ bắt gặp những hình ảnh cả một dãy phố cùng buôn bán một mặt hàng như phố vải vóc Soái Kình Lâm, đường Trần Hưng Đạo; phố Đông y dược, đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)…

Người Hoa họ cho rằng, khi tập trung buôn bán cùng một mặt hàng tại một khu vực sẽ tạo ra sức mạnh thu hút khách hàng cao hơn, sức bán cao hơn vì khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn về một món hàng.

Chính việc quần tụ trong kinh doanh cũng giúp cho họ hỗ trợ nhau, khi có những cuộc khủng hoảng về giá, về nguyên liệu sản xuất, tạo nên sức mạnh tập thể mang tính cộng đồng trước những đối thủ kinh doanh khác. Bởi họ thấu hiểu, trong thương trường sự phát triển, tồn tại của một cá thể luôn gắn liền với vận mệnh cả cộng đồng.

Trong dân gian có câu: “Thà cho vàng chứ không chỉ đàng làm ăn”, có thể đúng với cách ứng xử của người Việt trong thương trường, nhưng với công đồng người Hoa Chợ Lớn lại khác, họ coi sức mạnh tập thể cộng đồng và sự hướng dẫn, giúp nhau làm ăn là trách nhiệm của mỗi thương gia.

Chia sẻ về điều này với giới truyền thông, nhiều thương gia người Hoa Chợ Lớn cho biết, trong văn hóa kinh doanh và triết lý kinh doanh từ xưa tới nay, người Hoa Chợ Lớn luôn giữ chữ tín và cho đó là điều bắt buộc, để ấn tượng tốt đẹp nhất trong mắt các đối tác. Chính vì thế nhiều thương gia có mối quan hệ đối tác, được truyền từ đời này, sang đời khác và gắn kết nhau một cách bền vững.

Đối với cộng đồng người Hoa Chợ Lớn, việc một thương gia nào đó vì tham thu lợi riêng cho mình, mà buôn bán phá giá thị trường, được xem như một hành vi “bẩn”của kẻ tiểu nhân trong kinh doanh, làm suy yếu sức mạnh và chia rẻ sự đoàn kết của cộng đồng đều bị tẩy chay, cô lập có thể dẫn tới cái kết phá sản.

Ông Kao Siêu Lực với thương hiệu bánh ABC
Tin nghề kính nghiệp

Xưa nay những người Hoa ở Chợ Lớn ít chú trọng tới việc tiến thân trên con đường khoa bảng học vấn, nhưng ngược lại họ rất chú trọng tới việc học lấy một nghề thật tinh thông để lập thân khởi nghiệp ngay từ khi tuổi còn rất trẻ. Họ thuộc nằm lòng câu của cổ nhân: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nên đa số người Hoa khi tới tuổi trưởng thành đều dành hết tâm huyết, thời gian, trí lực cho cái nghề mà họ đã lựa chọn để dấn thân học hành và khởi nghiệp.

Hiện nay, người Hoa chỉ chiếm chưa tới 10% dân số ở TP.HCM, nhưng trong các hoạt động kinh tế thương mại chiếm 30% số DN của hơn 23.000 người Hoa đăng ký kinh doanh.

Cộng đồng người Hoa Chợ Lớn tham gia hoạt động kinh doanh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bán buôn (sỉ), sản xuất hàng tiêu dùng ở quy mô vừa và nhỏ, nhưng chiếm lĩnh thị phần lớn một số mặt hàng quan trọng như: Kim khí, điện máy, vàng và vải vóc…

Trước 1975, cộng đồng người Hoa Chợ Lớn, nhất là người Minh Hương đã tạo nên những cái tên thương gia danh tiếng, từng là đỉnh cao của nghề nghiệp tại Sài Gòn và cả xứ Nam bộ, như: “Vua gạo”, “vua thép”, “vua bột giặt”, “vua xà bông”, “vua bột mì”…

Sau giải phóng, để mưu sinh nuôi mộng lớn có người Hoa Chợ Lớn đã bắt đầu khởi nghiệp bằng việc buôn bán những món đồ cũ (đồ lạc xoong) trên vỉa hè, như ông Lương Vạn Vinh, nay là một thương gia chủ thương hiệu nước rửa chén Mỹ Hảo uy tín.

Lại có người chuyển từ nghề Đông y sang sản xuất giày dép rồi trở thành thương gia nổi tiếng với thương hiệu Bitís, đó là ông Vưu Khải Thành. Trước khi trở thành thương gia chủ thương bánh Kinh Đô nổi tiếng hiện nay, ông Trần Kim Thành cũng từng xoay xở buôn bán nhỏ lẻ với bạn hàng ở Campuchia.

Hay từ thân phận người đi làm thuê cho một hiệu bánh, mà ông Kao Siêu Lực đã vươn lên trở thành thương gia chủ của chuỗi cửa hàng bánh ABC hàng đầu hiện nay.

Để gây dựng được một công ty hàng đầu trong lĩnh vực văn phòng phẩm, với vốn hóa thị trường gần 4000 tỷ đồng như ngày nay, thương gia Cô Gia Thọ – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long từng trải qua thời gian vất vả đạp xe đi khắp thành phố tiếp thị bán dạo từng chiếc bút bi do mình sản xuất… Những thương gia danh tiếng tiêu biểu trên chính là những tấm gương sáng về “tinh nghề, kính nghiệp” trong chiến lược kinh doanh trên thương trường.

Theo thương gia Cô Gia Thọ:

“Một trong những bí quyết thành công trong kinh doanh của các thương gia người Hoa Chợ Lớn chính là ở chỗ họ biết “tinh nghề, kính nghiệp”. Muốn tinh thông nghề thì trước hết phải thực sự yêu và tâm huyết với nghề, sống chết với nghề. Nếu không dốc trọn cuộc đời cho công việc mà mình đã chọn, thì không cách nào tạo ra được vinh là “vua” của một nghề”.

Hiện nay, trên thường trường cả nước nói chung và TP. HCM nói riêng đã xuất hiện những ông “vua” của từng ngành nghề, từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ yếu là người Hoa.

Đó là “vua giày dép” Vưu Khải Thành – Chủ tịch HĐQT – TGĐ Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (BiTís); “vua bánh mì” Kao Siêu Lực – Tổng Giám đốc DN tư nhân bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery); “vua nhựa” Trần Duy Hy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất Nhựa Duy Tân; “vua vải” Thái Tuấn Chí – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn…

Qua đây, có thể thấy những thương gia danh tiếng trong cộng đồng người Hoa nói chung, khu vực Chợ Lớn nói riêng đều là những người cần kiệm, cầu thị, tích cực tìm tòi, mạnh dạn sáng tạo, kiên trì phấn đấu và tâm huyết hết mình với nghề mà họ đã lựa chọn, đã dấn thân để không ngừng vươn lên trong thương trường vốn cạnh tranh đầy nghiệt ngã. 

Theo Lương Định/Thương Gia

http://thuonggiaonline.vn/huong-vi-tet-thuong-gia-cho-lon-28868.htm