QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hủy phiên đấu giá cổ phần doanh nghiệp phồng tôm của SCIC

Hết thời hạn đăng ký nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia đăng ký đấu giá lô cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (mã: SGC) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu.Do đó, phiên đấu giá đã bị hủy do không đủ điều kiện tổ chức.

Trước đó, SCIC đã ra thông báo bán toàn bộ 3,57 triệu cổ phiếu SGC, tương ứng 49,89% lượng cổ phiếu lưu hành của SGC với giá khởi điểm 111.700 đồng/cp. Tính theo mức giá này, SCIC sẽ thu về tối thiểu 398,3 tỷ đồng từ việc bán cổ phần SGC.

Cũng theo công bố, toàn bộ cổ phần này sẽ được chào bán cho nhà đầu tư trong nước, trong khi nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia mua.

Được biết, Sa Giang là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm từ gạo như phồng tôm, hủ tiếu, phở, bún gạo lứt, bánh tráng…Trong đó, phồng tôm là sản phẩm chủ lực và đóng góp trên 90% doanh thu mỗi năm của công ty.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SGC của Sa Giang hiện đang giao dịch ở mức 129.000 đồng/cp, thậm chí cao hơn 15% so với giá khởi điểm của SCIC (111.700 đồng/cp). Nếu tính theo giá khởi điểm, vốn hóa Sa Giang lên tới xấp xỉ 800 tỷ đồng.

Trước đó, các chuyên gia đã đưa ra nhận định về mức định giá cao của Sa Giang có thể gây bất lợi cho việc thoái vốn của SCIC. Trong vòng nửa nay nay, cổ phiếu SGC đã tăng “đột biến” 85%, lên mức giá hiện nay, nhưng thanh khoản chỉ vài trăm cổ phiếu.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 31/12/2018 SCIC nắm giữ 49,89%; bà Trần Thị Thanh Thúy nắm giữ 21,08%; ông/bà Phạm Thanh Hoa nắm giữ 4,90%; ông/bà Phạm Hồng Thịnh nắm giữ 3,27%; ông Phạm Thanh Hùng nắm giữ 3,33% và các cổ đông khác nắm giữ 17,53%.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2019 của Sa Giang, tổng doanh thu công ty đạt 85,79 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bánh phồng tôm đạt 57,49 tỷ đồng; doanh thu tài chính đạt hơn 118 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 12 tỷ đồng – tăng hơn 52,34% so với cùng kỳ.

Vừa qua, SCIC đã công bố kế hoạch thoái vốn tại 108 doanh nghiệp trong năm 2019 trong đó có nhiều cái tên đáng chú ý như 6 doanh nghiệp nằm trong danh sách 10 “ông lớn” mà Thủ tướng chỉ đạo về việc bán vốn tại Thông báo số 281/TB-VPCP ngày 7/9/2016.

Cụ thể, ngoài Sa Giang còn có Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Vinamilk, Nhựa Bình Minh và Công ty cổ phần FPT.

Theo Anh Minh/Thương gia