QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Huyện Bình Chánh “trảm” cán bộ tiếp tay cho nạn xây nhà không phép

Thời gian qua, Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam đã đăng tải một số bài viết phản ánh tình trạng sốt đất, xây nhà không phép và đất bỏ hoang tại huyện Bình Cánh. Mới đây, UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định xử lý công trình vi phạm và trách nhiệm cá nhân liên quan đến tình trạng xây nhà không phép trên địa bàn hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B theo thẩm quyền của huyện.

Những “ông trùm” lách luật…

Theo phản ánh từ dantri.com, “ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) thì có đến 80% đất nông nghiệp mua bán bằng giấy tờ tay. Quây tôn xung quanh rồi xây, xây tốc hành, 2 ngày là xong”, đó là khẳng định của L (một chủ thầu xây dựng tại xã Vĩnh Lộc B).

Theo lời L, do thời gian gần đây “động quá” nên giờ không làm theo kiểu xây nhà sẵn rồi bán như trước nữa, nhà đầu tư khôn rồi. Những “ông trùm” sẽ tìm cách lách luật phân lô, sau đó bán lại cho nhiều đầu nậu (mỗi đầu nậu vài lô, nền). Đầu nậu bán từng lô cho người dân với cam kết “bảo kê” cho xây. Đất nông nghiệp sau khi được phân lô với diện tích khoảng 60m2 – 80m2/nền, mua bán giấy tay thì giá từ 800 triệu – 1,2 tỷ đồng.

“Giá cả tuỳ theo mối quan hệ, nếu một nhà cấp 4 (từ 50-70m2) xây xong phần thô hết khoảng 400 triệu đồng (bao gồm tiền vật liệu, tiền công và chi phí lót tay). Nếu tự xây, chi phí lót tay 70 triệu (nếu quen biết) và 160 triệu với dân thường”,L nói.

L cho biết thêm: “Cò đất và giới đầu nậu không hoạt động rầm rộ như trước nhưng khi người dân có nhu cầu thì sẽ có kênh để gặp. Tuy nhiên, người dân chỉ gặp được đầu nậu là chủ thầu xây dựng hoặc giới bán vật liệu chứ không thể gặp “ông lớn” thực sự đứng sau lo bảo kê cho công trình xây dựng không phép”.

“Việc bảo kê cho những căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp phải có cả đường dây. Những người làm xây dựng đều có “kênh” để lo làm nhà không phép. Gần như những người có chức vụ cũng “có phần” nhưng rất khó có bằng chứng vì tất cả đều không lộ mặt mà chỉ thông qua “cò con, đầu nậu”. Trường hợp xảy ra chuyện gì chỉ dân chết, người làm phân lô, nền, xây dựng vẫn sống khoẻ”, L tiết lộ.

Theo tìm hiểu, chủ thầu chỉ có nhiệm vụ làm xong nhà rồi bàn giao cho người dân. Nếu bị cưỡng chế thì chỉ cần tháo dỡ một phần mái tôn “cho có lệ”, sau đó làm lại. Những đường dây bao trọn gói thường không nhận đơn lẻ phần chung chi mà luôn nhận trọn gói (cả chung chi và xây dựng), chủ thầu sẽ bao xây dựng, nếu bị đập 1,2 lần thì vẫn đến làm lại cho dân.

“Giới chủ thầu xây nhà cho người dân chỉ làm như “chuồng heo”, vài cái cột sắt và xây gạch xung quanh là xong, chả đáng bao nhiêu tiền nên việc có bị đập thì đến xây lại cũng đơn giản. Mỗi căn nhà khi nhận trọn gói thì chủ thầu lời hơn một nửa”, L khẳng định.

Mặc “áo giáp” cho nhà xây lụi

Đầu tháng 04/2019, có mặt tại khu vực tổ 12 ấp 1A, tổ 11 ấp 1B, ấp 2, khu vực nằm giáp ranh với đường Kênh Trung Ương chạy dài sâu vào khu vực đất rừng phòng hộ Kênh Liên Vùng xã Vĩnh Lộc A, Pphóng viên ghi nhận tình trạng san lấp, phân lô diễn ra ồ ạt. Những tấm biển cũng được UBND xã Vĩnh Lộc dựng lên để cảnh báo nhưng tình trạng “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp vẫn diễn ra.

Dãy nhà mặc “áo giáp” tôn cũ để xây dựng bên trong.

Tương tự, tại địa bàn xã Vĩnh Lộc B, tình trạng san lấp, phân lô trên đất nông nghiệp, xây dựng nhà trái phép cũng diễn ra ồ ạt. Hàng loạt căn nhà được “phù phép”mọc

Vấn đề xây dựng trái phép ở huyện Bình Chánh không phải là mới, song thời gian gần đây tình trạng này diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi.

Những dãy nhà được nguỵ trang bằng tôn cũ bao bọc bên ngoài mọc lên chi chít, nhìn nhếch nhác và như khu “ô chuốt”. Hạ tầng không có, nước thải, rác thải “mạnh ai nấy xả”. Đang báo động hơn là khi xảy ra hoả hoạn thì xe cứu hoả không thể tiếp cận, giải cứu.

Trong một báo cáo mới đây của UBND xã Vĩnh Lộc B, từ năm 2018 đến nay, cả xã 19 trường hợp xây dựng vi phạm, vi phạm về đất đai 72 trường hợp, xử lý ngay từ đầu 236 trường hợp…Tuy nhiên, giới đầu nậu khẳng định con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng vi phạm xây dựng ở địa bàn này.

Dù chính quyền địa phương nhiều lần luân chuyển cán bộ chủ chốt nhưng vẫn không thể kiểm soát, những công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí còn bành trướng hơn trước. Vậy những “ông trùm” chuyên “xẻ thịt” đất cấm để phân lô bán nền, bảo kê xây dựng là ai?

Nhiều cán bộ bị kỷ luật

Trước phản ánh của báo chí, mới đây, huyện Bình Chánh đã lập hội đồng kỷ luật xử lý các cá nhân là cán bộ, công chức có liên quan đến tình trạng xây nhà không phép.

Cụ thể, tại xã Vĩnh Lộc A, huyện tổ chức phê bình rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch, khiển trách đối với Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A và buộc thôi việc một công chức. Xã Vĩnh Lộc A cũng đã tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền với hình thức phê bình rút kinh nghiệm đối với hai cán bộ không chuyên trách (được phân công cùng với công chức địa chính xây dựng). Kỷ luật sa thải đối với một cán bộ không chuyên trách (được phân công cùng với công chức địa chính xây dựng).

Công trình xây dựng không phép tại xã Vĩnh Lộc A hiện đã được tháo dỡ

Huyện Bình Chánh cũng phê bình rút kinh nghiệm đối với trưởng ấp 4 và trưởng ấp 4A, riêng trưởng ấp 5A bị bãi nhiệm.

Tại xã Vĩnh Lộc B, chủ tịch xã bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, còn phó chủ tịch xã bị phê bình rút kinh nghiệm. Cùng với đó, hai công chức địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường nhận hình thức kỷ luật khiển trách, phê bình rút kinh nghiệm đối với hai công chức trật tự đô thị.

Xã Vĩnh Lộc B đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xem xét kỷ luật đối với 14 cá nhân. Cụ thể, phê bình rút kinh nghiệm hai trưởng ấp, ba cán bộ kinh tế, hai công chức địa chính, rút kinh nghiệm đối với ba cán bộ kinh tế, bốn cán bộ trật tự đô thị xã.

Theo huyện Bình Chánh, ở xã Vĩnh Lộc A, khu vực ấp 5A, cơ quan chức năng đã tháo dỡ 09 móng nhà, cưỡng chế 09 công trình nhà và một công trình nhà chủ đầu tư tự tháo dỡ.

Ấp 4A đã tổ chức xử lý tháo dỡ ba công trình.

Tại xã Vĩnh Lộc B có ba công trình đã bị cưỡng chế…

Theo Hữu Dũng/Thời báo chứng khoán