QC 1
Thứ 5, ngày 12/12/2024 | Hotline: 0889.066.066

Huyền thoại rồng tiên: Nỗ lực cố kết Việt Nam đa tộc người

Chọn nghiên cứu các vấn đề tộc người Việt Nam theo cái nhìn từ núi non, nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến, tác giả cuốn biên khảo “Khai nguyên Rồng Tiên”, khẳng định huyền thoại “cha Rồng, mẹ Tiên” luôn là một đề tài hấp dẫn và chứa đựng nhiều giá trị cần được minh định.

Âu Cơ và Lạc Long Quân chia tay nhau. Tranh: Tạ Huy Long

Hai trụ cột của truyền thuyết rồng tiên

Thưa nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến, cuốn sách “Khai nguyên Rồng Tiên” dù đã ra mắt được hơn hai năm, nhưng vẫn có giá trị nhất định trong các cuộc thảo luận về nguồn gốc của truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Kể từ khi sách được xuất bản, anh đã có thêm những suy ngẫm gì về truyền thuyết này?

– Cần phải khẳng định rằng huyền thoại rồng tiên trong hình dung của người Việt hiện nay luôn có xu hướng Hoa tâm (hướng về Trung Hoa – NV) và được nhiều học giả bồi đắp qua các thế hệ.

Trong cuốn sách “Khai nguyên Rồng Tiên”, tôi cố gắng tập hợp những dữ liệu ở mức khả tín nhất có thể dựa trên cơ sở khoa học. Đặc biệt, thay vì dùng những tư liệu phổ biến của người Việt để bàn luận về huyền thoại này, tôi chọn những tư liệu cổ của cộng đồng Mường và Thái. Khi xây dựng nội dung cho cuốn sách, tôi muốn nhấn mạnh tới cội nguồn Đông Nam Á cho huyền thoại rồng tiên.

Rất vui rằng sau hai năm kể từ khi xuất bản, cuốn sách đã được độc giả đón nhận tích cực, đặc biệt các học giả có thẩm quyền trong nước và quốc tế.

Dù vậy, tôi cảm thấy hơi đáng tiếc khi cuốn sách của mình đang bị diễn giải thiên lệch. Ngay trong nội dung, tôi cũng khẳng định rằng cuốn sách này ra đời không những bác bỏ mà còn thừa nhận nguồn gốc Hoa tâm của huyền thoại rồng tiên. 

Rõ ràng huyền thoại này được gợi cảm hứng nhiều từ những truyền thuyết ở miền Nam Trung Hoa. Nhưng thông qua “Khai nguyên Rồng Tiên”, tôi muốn điều chỉnh góc nhìn của độc giả về huyền thoại rồng tiên được nhắc tới trong phần kỷ Hồng Bàng của Đại Việt sử ký toàn thư, dù mang cảm quan Hán hóa nhưng đồng thời cũng chứa đựng những cảm hứng dân gian, bản địa của cộng đồng Việt – Mường – Thái. 

Bàn luận về nguồn gốc của huyền thoại rồng tiên, trong nhiều tình huống đã nảy sinh hai quan điểm khác biệt. Một bên cho rằng huyền thoại rồng tiên là một sự vay mượn của văn hóa Trung Hoa. Bên còn lại thì cho rằng nguồn gốc của huyền thoại này xuất phát từ truyền thuyết của các tộc người Đông Nam Á. 

Nhưng tôi cho rằng bởi Việt Nam nằm giữa ngã tư đường của các nền văn minh, nên có thể khẳng định rằng huyền thoại rồng tiên có cả hai nền tảng trụ cột: Văn hóa Đông Á và Đông Nam Á. 

Khi sách ra mắt, nhiều người cũng đặt câu hỏi cho tôi rằng huyền thoại này nên được nhìn nhận như thế nào khi quan sát tiến trình Nam tiến của người Việt và tại sao huyền thoại này đã trở thành di sản chung của Việt Nam?

Cuốn sách “Khai nguyên Rồng Tiên”.

Để trả lời những câu hỏi này, tôi dự định xây dựng nội dung cho một chuyên khảo mới nhằm chứng minh rằng dưới cái bóng của huyền thoại rồng tiên, đã có những tôn giáo bản địa ra đời và bành trướng ra các vùng đất mới như thế nào để cố kết Việt Nam như một thực thể đa tộc người.

Chốt lại, “Khai nguyên Rồng Tiên” nên được hiểu là một cuốn sách không chối bỏ mà chỉ điều chỉnh lại quan điểm Hoa tâm của huyền thoại rồng tiên và bồi đắp thêm góc nhìn đa tộc người tại Việt Nam. Huyền thoại này không chỉ vay mượn nội dung có gốc gác văn hóa Trung Hoa mà còn có cội nguồn từ trong chính những cộng đồng người bản địa Việt Nam mang dấu ấn Đông Nam Á.

Những di sản của huyền thoại rồng tiên

Theo anh, việc truy nguyên nguồn gốc huyền thoại rồng tiên có nên bị coi là hành động nhạy cảm về chính trị và lịch sử, hay nó đã giúp hậu thế thấy được nỗ lực của quân chủ nhà Hậu Lê trong việc tạo lập một không gian tưởng tượng chung cho các dân tộc Đại Việt vào thế kỷ XV?

– Huyền thoại về bản chất không chỉ ra đời từ xa xưa, huyền thoại còn được ra đời để phục vụ cho hiện tại. Mỗi một thời đại sẽ trưng dụng, kể huyền thoại theo những cách khác nhau. Trong quá khứ, các vương triều đã có sự đối xử không thuần nhất đối với các thần linh và huyền thoại. Tất cả đều nhằm phục vụ cho ý đồ chính trị của chính các nền quân chủ. Việc các triều đại xây dựng và trưng dụng các huyền thoại đều có đa mục đích, ít nhất là chính trị, văn hóa, tôn giáo. 

Trước khi khái niệm quốc gia dân tộc hiện đại ra đời, các vương triều trong lịch sử Việt Nam và thế giới đều có nhu cầu cố kết các khối người trong địa hạt cai trị. Để đoàn kết nội bộ, các khối người này cần chia sẻ cùng một huyền thoại về nguồn gốc. Đó là cách các vương triều tạo ra một nguồn gốc thân tộc ảo, một tổ tiên chung. 

Nếu muốn tư duy về huyền thoại rồng tiên thì không thể bỏ qua việc nghiên cứu về vương triều Hậu Lê. 

Quốc gia Đại Việt trong triều đại Hậu Lê có một địa bàn rất rộng lớn so với trước đấy, không chỉ gói gọn ở vùng châu thổ sông Hồng, mà còn mở rộng ra phía các vùng núi Đông Bắc, Tây Bắc và Nam Trung bộ. Một quốc gia đan xen các cộng đồng Việt, Mường, Tày, Thái chắc hẳn sẽ có tính đa tộc người sâu đậm và phức tạp. Triều đình nhà Lê, đặc biệt là dưới thời vua Lê Thánh Tông, đã xuất hiện nhu cầu cố kết các tộc người để xoa dịu những mâu thuẫn giữa các tập đoàn quan lại có gốc gác khác nhau. Trong sử liệu Thái cổ còn ghi việc các nhóm người Thái còn phải cử người tới kinh thành Thăng Long để làm phiên dịch.

Trong “Khai nguyên Rồng Tiên”, tôi đặt ra giả thuyết rằng chính vua Lê Thánh Tông đã thành công trong việc điều hòa các quan hệ đa tộc người bằng cách tạo ra một thân tộc ảo dựa trên huyền thoại rồng tiên. Đây là một sứ mệnh quan trọng để tạo ra sự cố kết trong triều đình nhà Lê. 

Huyền thoại này ra đời như một cách để xuyên thấu niềm tin của các tộc người để đưa đến một thực tại sâu sắc nhất đó là: Dù có nhiều xung đột, nhiều tiếng nói, nhiều đặc trưng văn hóa, nhưng đều là các dân tộc anh em, đều chia sẻ một tổ tiên chung. Việc nhào nặn huyền thoại rồng tiên trong quá khứ đã giúp tạo ra một ý niệm mang tính di sản cho Việt Nam đương đại, đó là cội nguồn hai chữ “đồng bào”. Khái niệm “đồng bào”, tập tục thờ cúng Vua Hùng hay Đạo Mẫu chính là những di sản, sản phẩm phái sinh của huyền thoại rồng tiên. 

Anh có đoán định nào về việc các sử gia và quân chủ nhà Hậu Lê lựa chọn hình tượng rồng – tiên để đưa vào huyền thoại nguồn cội dân tộc?

– Sẽ rất khó để chúng ta lý giải việc tiền nhân lựa chọn các hình tượng rồng tiên. Nhưng hai hình tượng này không hề xa lạ đối với văn hóa bản địa Việt Nam. Rồng là loài sinh vật cai trị vùng sông nước. Tiên ở đây có thể hiểu là loài chim, như chim lạc huyền thoại, vốn gắn liền với rừng núi. Từ xa xưa, người Việt đã có tục xăm mình, đến đời Trần còn xăm rồng lên chân lên bụng như một cách để khẳng định sự gắn bó với các loài thủy tộc. Trong khi hình tượng chim lạc cũng đã xuất hiện xuyên suốt trong các hiện vật của thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Việc lựa chọn các hình tượng rồng (đực/cha) và chim (cái/mẹ) cũng không phải quá xa lạ, nó xuất phát từ một di sản chung của các tộc người Đông Nam Á, là quen thuộc, đó là biểu hiện của thuyết nhị nguyên vũ trụ.

Hình tượng Rồng và chim Tiên được thể hiện trên trống đồng. Nguồn: “Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam”, Nguyễn Văn Huyên.

Môi trường địa lý Đông Nam Á lục địa và duyên hải nói chung và Việt Nam nói riêng gắn liền với hình ảnh núi rừng và đồng bằng ven biển, kết hợp với hoạt động canh tác lúa nước. Từ đó, việc ông cha ta lựa chọn cặp thủy tổ rồng – tiên cho thấy cách người Việt cổ tôn thờ những biểu tượng đại diện cho hai nguyên tố tự nhiên: non và nước. Non nước, đất nước, non sông vì thế chính là những từ để chỉ quốc gia dân tộc.

Lựa chọn xem xét tiến trình lịch sử của các tộc người Việt Nam trong cái nhìn từ núi, anh nhận định thế nào về tiềm năng và thách thức của hướng nghiên cứu này?

– Có rất nhiều góc quan sát về tiến trình lịch sử Việt Nam. Có hướng quan sát Việt Nam dưới góc nhìn Hán hóa. Hay có học giả nghiên cứu Việt Nam dưới góc nhìn Ấn Độ hóa. Một số hướng nghiên cứu cổ điển khác gắn Việt Nam với nền văn minh lục địa nông nghiệp lúa nước hoặc khác đi lại nhìn từ mạng lưới thương mại sông ngòi hoặc biển cả. Tóm lại, có rất nhiều quan sát khác nhau về Việt Nam.

Các mô hình nghiên cứu này đã giúp làm đa dạng hóa các góc nhìn về lịch sử Việt Nam. Trong khi đó, mô hình nghiên cứu Việt Nam nhìn từ núi thì còn khá mới mẻ, chỉ có tuổi đời hơn một thập kỷ. Dù vậy, hướng nghiên cứu này có tiềm năng rất lớn. Nói lớn là bởi chưa có nhiều khám phá về Việt Nam theo hướng tiếp cận này, vì thế khoảng trống để lộ ra còn nhiều. 

Bản thân tôi là một nhà dân tộc học, gắn bó với núi non. Khi xem xét các vấn đề, tôi cũng thường tư duy theo con mắt của người miền núi. Tôi nhận ra rằng dù đồi núi chiếm 3/4 diện tích đất nước nhưng các vấn đề và sự kiện lịch sử thường được diễn giải theo hướng đồng bằng hoặc vùng duyên hải. Việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam theo hướng nhìn từ núi do vậy khi được khởi động sẽ giúp chúng ta có thêm hiểu biết về vùng núi non và cải thiện nền tảng học thuật về các nhóm tộc người thiểu số. 

Mô hình nghiên cứu đặt điểm nhìn từ núi dù giàu tiềm năng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người làm chuyên môn bởi sự thiếu thốn của các tư liệu văn tự. Trong nhiều trường hợp, với những tộc có văn tự, thậm chí đa văn tự thì rất ít người có đủ trình độ để xử lý hết những văn tự cổ còn sót lại của các tộc người.

Nhìn chung, hướng nghiên cứu này hứa hẹn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về lịch sử Việt Nam và tạo ra tư duy Việt Nam như một thực thể đa tộc người. 

Xin cảm ơn anh! 

Nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến sinh năm 1983, hiện công tác tại Viện Văn học. Anh đã xuất bản các sách chuyên khảo như “Những đỉnh núi du ca – Một lối tìm về cá tính H’Mông” (2014, tái bản nhiều lần), “Sống đời của chợ” (2017), “Khai nguyên Rồng Tiên” (2021).

Theo Bùi Huy/Ngày Nay