QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Ì ạch” việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Đến thời điểm này, các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khiến mọi chỉ tiêu đề ra đề không thể hoàn thành…  

Sáng 16/10, Chính phủ tổ chức hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ – Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đồng chủ trì hội nghị.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến ngày 30/9, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707/QĐ-TTg. Số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 DN (chiếm 71%).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Được biết, theo kế hoạch cổ phần hóa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì giai đoạn 2017 – 2020 phải cổ phần hóa là 128 DN. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2018, có 159 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên chỉ có 3 DN thuộc danh mục các DN cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg. Tổng giá trị DN của 9 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 780 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 670 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 168 DN đã cổ phần hóa, chỉ có 36/128 DN cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đề ra (đạt 28%). Số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 DN.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm. Những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 đó là: TP. Hà Nội cổ phần hóa 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP. Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cổ phần hóa 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công thương cổ phần hóa 4 DN (3 tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.

Về kế hoạch thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 – 2020 phải thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại các DN.

Theo đó, từ năm 2016 đến tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng, trong đó phần lớn là số vốn đã thoái tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Những đơn vị còn nhiều DN phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn được điểm danh là: Bộ Công thương (thoái vốn tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), Bộ Giao thông vận tải (thoái 30,4% vốn Nhà nước đầu tư tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP và 35,16% vốn Nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP), Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); TP. Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 DN),…

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, phải điều chỉnh kế hoạch thực hiện cho phù hợp với thực tế.

Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DN đã cổ phần hóa chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc xác định phần vốn Nhà nước thu nộp các khoản thu từ cổ phần hóa theo quy định.

Theo cập nhật mới nhất từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), lũy kế từ năm 2017 đến hết tháng 9/2019 cho thấy, SCIC đã bán vốn thành công tại tại 53 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 49 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại 4 doanh nghiệp. Tổng giá trị thu được là 20.133 tỷ đồng, trên giá vốn là 3.483 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 16.651 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,8 lần so với giá vốn (trong khi mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần).

Tuy nhiên, có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để tăng số lượng doanh nghiệp bán vốn thành công. Cụ thể, ngoài khó khăn về cơ chế và thị trường, trong danh mục của SCIC còn nhiều doanh nghiệp thuộc diện khó bán, bán nhiều lần không thành công.

Cũng như nhiều tổng công ty, tập đoàn Nhà nước, khó khăn trong hoạt động tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước tại SCIC đều bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân bao gồm cả khách quan như: Hành lang pháp lý, thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến các nguyên nhân chủ quan về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành và bản thân doanh nghiệp. Trong đó không loại trừ một số trường hợp, việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn hoặc chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước về SCIC xuất phát từ ý thức chấp hành văn bản pháp luật của cơ quan, đơn vị có liên quan, cũng như mong muốn duy trì ảnh hưởng và mối quan hệ với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch thóa thoái vốn không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành cũng khiến cho bán vốn khó khăn. Các doanh nghiệp bán vốn không có nhiều lựa chọn khi không thể chủ động và độc lập quyết định về thời điểm và danh mục doanh nghiệp thoái vốn.

Ngoài ra còn những khó khăn khác theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CPC ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Thông tư số 59/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, như: quy định tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để bán vốn; trách nhiệm pháp lý của tổ chức thẩm định giá; trình tự bán cổ phần ba bước gồm đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận…

Về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn, khó khăn còn phụ thuộc vào cơ cấu cổ đông, thực trạng doanh nghiệp. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn Nhà nước…

Về việc tháo gỡ một số khó khăn, SCIC đã báo cáo Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về khó khăn trong công tác bán vốn, doanh nghiệp thuộc diện khó bán và đề xuất Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép SCIC áp dụng cơ chế bán vốn đặc thù (hạ giá khởi điểm) quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC đối với những doanh nghiệp đã triển khai bán vốn theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP nhưng không thành công.

Sau khi lấy ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, ngày 25/9/2019, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Công văn số 1431/UBQLV-TH báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đồng ý cho phép SCIC áp dụng cơ chế bán vốn đặc thù.

Để hoàn thành công tác cơ cấu lại DNNN, trong đó trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN khẩn trương xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN trực thuộc theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan về việc chậm phê duyệt phương án theo quy định. Hoàn thành chậm nhất là hết quý IV/2019.

Trong quý IV/2019 và năm 2020, các bộ, ngành phải hoàn thành việc rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến DNNN.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN, cần sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Về kế hoạch và tình hình sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019 đã thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN là 177.557 tỷ đồng trong đó: 9 tháng đầu năm 2019, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về quỹ là 4.799 tỷ đồng.Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành kế hoạch nộp 250.000 tỷ đồng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn về NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội đã giao.

Theo Văn Thắng/Thời báo chứng khoán