QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Jeff Bezos có thể kiếm thêm 90 tỷ USD nếu phân chia lại Amazon

Theo Reuters, dù đã trao quyền điều hành Amazon cho người khác, thì với số cổ phần đang nắm giữ, tỷ phú Jeff Bezos vẫn có thể kiếm thêm 90 tỷ USD nếu Amazon tách đôi mảng kinh doanh điện toán đám mây và bán lẻ trực tuyến.

Jeff Bezos có thể kiếm thêm 90 tỷ USD nếu phân chia lại Amazon
Jeff Bezos sẽ có thêm khoảng 90 tỷ USD nếu Amazon tách đôi các mảng kinh doanh.

Được biết, đầu năm nay, tỷ phú sáng Amazon đã trao quyền điều hành cho Andy Jassy, trước đây là giám đốc điều hành hàng đầu của Amazon Web Services (AWS) – mảng kinh doanh đám mây của công ty. Ông Jeff Bezos hiện chỉ nắm giữ gần 10% cổ phần của Amazon, tương đương khoảng 190 tỷ USD tính theo giá trị thị trường công ty.

Tính tới thời điểm hiện tại, AWS vẫn là bộ phận phát triển nhanh nhất và hiệu quả nhất, đạt tỷ suất lợi nhuận hoạt động hơn 22% trong 12 tháng qua.

Mặc dù hoạt động tốt hơn nhiều so với các công ty khác cùng kinh doanh trong lĩnh vực điện toán đám mây, nhưng AWS lại chịu thiệt hơn các công ty khác do hiện tại vẫn chỉ là một lĩnh vực kinh doanh của Amazon và bị ảnh hưởng bởi tình hình không mấy khả quan của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến.

Cụ thể, cùng kinh doanh trong lĩnh vực điện toán đám mây, các công ty nhỏ hơn nhưng độc lập như Cloudflare, Palantir Technologies và Okta đang có mức giao dịch với bội số doanh số ước tính trên giá trị doanh nghiệp lên tới 80 lần và được định giá khoảng 24 lần so với doanh số bán hàng.

Giả sử AWS cũng là một công ty độc lập và giao dịch với bộ số doanh số 80 lần như các công ty nêu trên, thì chỉ cần đạt doanh thu 75 tỷ USD vào năm 2022, AWS đã có giá trị trương đương với Amazon ở thời điểm hiện tại.

Như vậy, nếu Amazon tách đôi mảng kinh doanh điện toán đám mây và bán lẻ, thì đến năm 2022, “gã khổng lồ” công nghệ có thể gấp đôi bội số kinh doanh vì không có nợ ròng, tăng mức vốn hoá thị trường từ 1.900 tỷ USD lên 2.800 tỷ USD. Tương đương, 10% cổ phần của Jeff Bezos sẽ từ 190 tỷ USD lên 280 tỷ USD, tăng 90 tỷ USD.

Việc các công ty lớn tách chia lẻ các mảng kinh doanh của mình đã không còn lạ lẫm ở thời điểm hiện tại. Điều này là kết quả thực tế bắt nguồn những định giá doanh thu trên lý thuyết, khiến các công ty kỳ vọng sẽ nâng cáo giá trị thị trường của mình.

Johnson & Johnson, General Electric và Toshiba đã bắt đầu tách nhỏ các mảng kinh doanh; Royal Dutch Shell cũng đang phải đối mặt với áp lực phải phân chia lại cơ cấu công ty.

Đôi khi, việc tách các mảng kinh doanh không chỉ đem lại lợi nhuận cho công ty, mà còn là cơ hội để các mảng trong cùng công ty chuyên môn hoá sản phẩm, tập trung nâng cao dịch vụ và “bứt tốc” vượt qua cả công ty mẹ. Một ví dụ điển hình là khi nhà bán lẻ trực tuyến eBay tách đơn vị thanh toán PayPal của mình vào năm 2015, khiến PayPal trở thành một đơn vị mạnh mẽ hơn công ty mẹ.

Điều này cũng có thể đúng với Amazon. Trong khi AWS hoạt động bùng nổ, thì chi nhánh bán lẻ đang phải đối mặt với các vấn đề vận chuyển, chuỗi cung ứng và lao động, chưa kể đến việc giám sát kỹ lưỡng về cạnh tranh và các vấn đề về quyền riêng tư.

Vì vậy, việc Amazon tách riêng và phân chia lại các mảng kinh doanh của mình có thể là chuyện sớm muộn. Và nếu điều này xảy ra, thì nhà sáng lập công ty – Jeff Bezos sẽ là người được hưởng lợi hơn cả.

Theo Quỳnh Anh/Vietnam Finance/Reuters

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/jeff-bezos-co-the-kiem-them-90-ty-usd-neu-phan-chia-lai-amazon-20180504224261565.htm