QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Khánh Hòa: Đưa Trường Sa thành trung tâm kinh trên biển

Trong thời gian tới Nhà nước sẽ đẩy mạnh phát triển huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; Là pháo đài vững chắc của Tổ quốc.

Kết hợp phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo quốc phòng

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 97/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022.

Theo Kết luận của Thủ tướng Chính Phủ, trong thời gian tới Nhà nước sẽ đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; Là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa trên vịnh Vân Phong (Khánh Hòa).

Trước mắt, bố trí nguồn lực để ưu tiên tập trung phát triển nghề cá và đầu tư cho các công trình âu tàu, hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá tại huyện Trường Sa; đồng thời đưa nhân dân ra đảo để xây dựng và phát triển kinh tế.

Đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, lấy đổi mới sáng tạo để thu hút trí tuệ, nguồn lực từ bên ngoài. Đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt các nguồn lực xã hội. Kết hợp hài hòa các mô hình: Lãnh đạo công – quản trị tư, đầu tư công – quản lý tư, đầu tự tử – sử dụng công trong huy động nguồn lực, phù hợp với từng lĩnh vực, loại hình công trình, dự án cụ thể.

Phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, con người tỉnh Khánh Hòa để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời phải lấy người dân làm trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, được hưởng lợi trực tiếp từ thành quả phát triển kinh tế – xã hội.

Quan tâm nâng cao đời sống người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách để đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp..

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời trong thực thi công vụ; Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân. Tiếp tục cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số.

Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo và bố trí nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, bản lĩnh và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm vì nhân dân phục vụ; Khơi dậy và phát huy tính tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thích ứng với tình hình, kiên định với nguyên tắc chung những sáng tạo trong các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Khắc phục những hạn chế kéo dài nhiều năm về quản lý đất đai

Theo đó, Ban lãnh đạo tỉnh sẽ đẩy mạnh khắc phục cho được những yếu kém, tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm về quản lý đất đai và đầu tư xây dựng, trong đó có đầu tư theo hình thức BT; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, xử lý dứt điểm những vi phạm theo các kết luận thanh tra, kiểm tra để khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Chủ động tham mưu, đề xuất cơ chế xử lý các dự án có vi phạm, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Khánh Hòa: Đưa Trường Sa thành trung tâm kinh trên biển - Ảnh 2
Khánh Hòa cần sớm lập Quy hoạch tỉnh để phát huy tối đa tiềm năng phát triển

Chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả. Để hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực liên kết phát triển giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk, giữa vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ, tỉnh Khánh Hòa cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột cơ bản theo nguyên tắc: Các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh, Bộ GTVT hướng dẫn và giám sát quá trình triển khai thực hiện.

Hai địa phương khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí nguồn lực để đảm bảo hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021 – 2025. Đối với số vốn còn thiếu để hoàn thành Dự án (khoảng 7.200 tỉ đồng): giao UBND tỉnh Đắk Lắk rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Tỉnh để cân đối, bố trí 1.200 tỉ đồng; Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ để cân đối, bố trí bổ sung cho dự án.

Bộ KH&ĐT đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí bổ sung từ các nguồn khác hoặc điều chỉnh từ các dự án chậm triển khai, nguồn dự phòng…

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ công tác quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị để mở ra không gian phát triển và tạo động lực phát triển mới.

Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa

Trong năm 2022, Khánh Hòa tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch quan trọng của Tỉnh gồm: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch đô thị mới tại huyện Cam Lâm.

Tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh theo phương châm chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện nhưng không được chủ quan, lơ là; Tập trung tiêm vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý 1/2022; Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi bảo đảm an toàn, hiệu quả; Quan tâm nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kiên quyết thực hiện việc cắt giảm các dự án chưa cấp bách, chưa thật sự cần thiết, hiệu quả thấp để điều chuyển và tập trung vốn thực hiện các dự án trọng điểm. Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, làm công trình nào dứt điểm công trình đó, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không manh mún, dàn trải, chia cắt. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Cơ cấu lại thu – chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm tỉ trọng chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Cơ cấu lại thị trường du lịch, có giải pháp cụ thể để thu hút khách trong nước, quốc tế cho phù hợp với tình hình của năm 2022 và các năm tiếp theo; Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi và phát triển du lịch mạnh mẽ trong thời kỳ “hậu COVID”.

Theo Mai Huỳnh/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/can-gi-de-khanh-hoa-tro-thanh-trung-tam-kinh-te-cua-khu-vuc-65951.html