QC 1
Thứ 6, ngày 11/10/2024 | Hotline: 0889.066.066

Khơi dậy sức mạnh nội sinh trường tồn của dân tộc Việt Nam

Các học giả nước ngoài đánh giá cao vai trò của văn hóa Việt Nam trong tiến trình dựng nước, giữ nước và hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng một đất nước độc lập, tự do và không ngừng hội nhập.

Ảnh minh hoạ.

“Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” là câu nói của Bác Hồ được nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Anh Kyril Whittaker trang trọng treo tại nhà riêng.

Ông tin rằng câu nói này đã mô tả rất đúng sự đa dạng, phong phú của văn hóa và con người Việt Nam mà lồng ghép trong đó là chủ trương lấy con người làm trung tâm, kết hợp sức mạnh từ mỗi cá nhân để cùng tạo nên sức mạnh nội sinh trường tồn – sức mạnh văn hóa – vốn đã đưa nhân dân Việt Nam vượt qua các cuộc kháng chiến trường kỳ đến khi xây dựng và phát triển đất nước.

Trong các cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế nhận định những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế và được lan tỏa mạnh mẽ, trước hết nhờ chính sách gìn giữ và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc theo “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” ra đời cách đây 80 năm.

Nhà báo Gastón Fiorda, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh Quốc gia Argentina (RNA), đánh giá cao vai trò của văn hóa Việt Nam trong tiến trình dựng nước, giữ nước và hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng một đất nước độc lập, tự do và không ngừng hội nhập, nâng cao vị thế và vai trò của đất nước trên trường quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm trên, nhà báo Ngụy Vi – Trưởng ban Tiếng Việt Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc – cho rằng chính những nét đặc trưng văn hóa đã giúp Việt Nam xây dựng một đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Nguyễn Chung – Giám đốc Chương trình tiếng Việt thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á, Đại học Columbia (New York, Mỹ) nhấn mạnh văn hóa giống như ngọn đuốc soi rọi con đường phát triển của mỗi cá nhân, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tại Việt Nam trong những năm qua.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định văn hóa “vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.”

Chuyên gia Whittaker bày tỏ tâm đắc với chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế không phải là mục tiêu duy nhất, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc tốt đẹp của văn hóa dân tộc, bởi theo ông, phát triển văn hóa không thể tách rời khỏi sự phát triển của đất nước.

Trong khi đó, nhà báo Ngụy Vi nêu bật chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Quan điểm “lấy dân làm gốc,” kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cũng được thể hiện trong gìn giữ văn hóa dân tộc.

Ngược lại, văn hóa cũng trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo ông Whittaker, văn hóa Việt Nam được phát triển trên quan điểm lấy con người làm trung tâm, không vì lợi nhuận, đồng thời sáng tạo một nền văn hóa mới trong khi bảo tồn những truyền thống văn hóa lịch sử phong phú.

Bằng cách này, văn hóa vừa phát triển mạnh mẽ, hiện đại, được truyền tải thông qua các phương tiện công nghệ tiên tiến, song vẫn mang tính truyền thống bao hàm lịch sử phong phú của đất nước.

Đề cập vấn đề này, bà Nguyễn Chung cho rằng chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam đặt người dân vào vị trí trung tâm trong mọi đường lối phát triển cũng là sự thể hiện nét độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Bà lưu ý việc đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi đường lối phát triển không chỉ đơn thuần là chính sách mang lại sức mạnh nội sinh để phát triển và xây dựng đất nước, mà còn trở thành yếu tố chắp cánh cho Việt Nam trên con đường hội nhập với cộng đồng quốc tế, với tư cách là một thành viên năng động, tích cực, đầy trách nhiệm và sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước.

Giới chuyên gia quốc tế cũng đề cao chủ trương rõ ràng, quyết liệt và phù hợp với thời đại mà Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện để bảo vệ văn hóa dân tộc. Theo bà Poldi Sosa, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina-Việt Nam (ICAV), việc Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm phát triển văn hóa rất quan trọng bởi trong thế giới ngày nay, khi mà công nghệ và Internet đang rất phát triển, việc định hướng phát triển văn hóa của một dân tộc rất cần thiết.

Cùng chung nhận định, nhà báo Fiorda nêu bật việc Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Điều đó đã thể hiện sự nhìn nhận rõ ràng và chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam về tầm quan trọng của những nét đặc trưng văn hóa.

Bà Nguyễn Chung đặc biệt ấn tượng với chủ trương “xây dựng tính cách người Việt Nam hiện đại,” đánh giá đây là một quyết định rất cấp tiếp khi gìn giữ những nét văn hóa truyền thống dân tộc, thì cũng cần xây dựng những phẩm chất, tính cách mới, hiện đại, để phù hợp, thích ứng với xu thế phát triển và toàn cầu hóa hiện nay.

Ở góc độ này, bà nhắc tới chủ trương gác lại quá khứ để mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, cũng như với cộng đồng quốc tế.

Chính phẩm chất nhân hậu, sẵn sàng mở lòng để cùng nhau hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, đã góp phần “nâng đôi cánh” Việt Nam trên con đường hội nhập. Đó chính là nét đẹp, là sức mạnh nội sinh của văn hóa Việt Nam.

Song song với gìn giữ đặc trưng văn hóa, Việt Nam cũng chủ trương phát huy sức mạnh văn hóa, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ bằng cách không ngừng quảng bá văn hóa quốc gia ra thế giới, tạo sự kết nối bền vững với các quốc gia khác thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam.

Chuyên gia Poldi Sosa khẳng định trong quan hệ giữa các nước, bên cạnh ngoại giao chính trị, kinh tế, thương mại, ngoại giao văn hóa và ngoại giao nhân dân đóng vai trò cốt lõi để các dân tộc có thể tăng cường mối quan hệ đoàn kết và hữu nghị.

Nhấn mạnh quảng bá nền văn hóa độc đáo ra thế giới cũng giúp xây dựng đất nước theo nhiều cách, ông Whittaker nhận định ngoại giao văn hóa giúp tăng cường hiểu biết của các quốc gia khác về các sản phẩm văn hóa độc đáo và sự đổi mới, sáng tạo của Việt Nam – điều sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, thông qua ngoại giao văn hóa, Việt Nam ngày càng giúp thế giới hiểu rõ lịch sử phong phú và người dân Việt Nam cũng như cuộc sống hằng ngày của họ, giúp nhiều người có cái nhìn đúng về Việt Nam.

Ngoại giao văn hóa cũng thúc đẩy vai trò đi đầu của Việt Nam trong việc đóng góp cho các tổ chức bảo tồn di sản văn hóa thế giới, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á.

Những giá trị tạo nên sức mạnh văn hóa của Việt Nam vẫn đang được giữ gìn và phát huy, đồng thời cũng có sự giao lưu, tiếp thu tinh hoa nhân loại, để nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc luôn là ngọn đuốc soi đường, thắp nên nội lực dân tộc trong tiến trình phát triển và hội nhập.

Theo Ngày Nay