QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Không chia cổ tức, VPBank bất ngờ “xả” 31 triệu cổ phiếu quỹ

Hội đồng quản trị VPBank sẽ trình ĐHCĐ thường niên 2019 xin giữ lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối, không chia cổ tức của năm 2018 để dồn lực phục vụ kinh doanh. Mặc khác, ngân hàng lại muốn bán ra 31 triệu cổ phiếu quỹ với giá chỉ 10.000 đồng/CP.

Cổ đông VPBank sẽ “nhịn” cổ tức năm 2018, trong khi ngân hàng “hậu đại” cho cán bộ, nhân viên hàng trăm tỷ đồng

Lãi đậm 7.355 tỷ đồng, cổ đông “nhịn” cổ tức

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dự kiến sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay vào ngày 26/4/2019 tại Hà Nội.

Theo tài liệu công bố, Đại hội năm nay sẽ xem xét thông qua các báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và kế hoạch 2019, phương án phân phối lợi nhuận, tăng vốn điều lệ, bán cổ phiếu quỹ… cùng một số nội dung quan trọng khác.

Đáng chú ý, VPBank trình đại hội thông qua việc giữ lại khoản lợi nhuận chưa phân phối dưới hình thức lợi nhuận không chia và cũng không thực hiện chia các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Ngân hàng muốn giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Trước đó, đầu tháng 3/2019, VPBank đã lấy ý của Đại hội đồng cổ đông bằng văn bản về nội dung “giữ lại lợi nhuận chưa phân phối năm 2018 sau khi trích quỹ hơn 3.431 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động của ngân hàng”. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng đạt gần 7.355,6 tỷ đồng, trong đó, sẽ thực hiện trích lập các quỹ hơn 3.924 tỷ đồng, còn giữ lại 3.431 tỷ đồng lợi nhuận không chia.

Trong năm 2016- 2017, ngân hàng đã chia cổ tức “hậu hĩnh” cho cổ đông với tỷ lệ lần lượt 31,84% và 30,22%, chưa kể chia thưởng cổ phiếu lớn. Song năm 2018, cổ đông VPBank sẽ phải nhịn cổ tức.

Lợi nhuận trong 3 năm qua của VPBank tăng trưởng rất mạnh, đạt mức kỷ lục 7.355 tỷ vào năm 2018

Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán giá cổ phiếu VPB đã giảm rất mạnh sau các đợt phát hành cổ phiếu ồ ạt, khiến cổ phiếu bị pha loãng đáng kể. Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu VPB đã “lầm lũi” lao dốc không phanh xuống còn 19.450 đồng/CP (đóng cửa phiên 12/4/2019), tức giảm 50% so với mức đỉnh tháng 4 năm ngoái. Giá trị vốn hoá ngân hàng “bốc hơi” tới 51.713 tỷ đồng.

VPBank “hậu đãi” nhân viên nghìn tỷ

Trước đà rơi nhanh của cổ phiếu VPB bất chấp kết quả kinh doanh vẫn lạc qua, giữa năm 2018, HĐQT VPBank đã thông qua phương án mua lại 73,22 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức (phát hành với giá 27.584 đồng/CP hồi năm 2015, chiếm tỷ lệ 4,66% vốn) làm cổ phiếu quỹ. Với giá mua vào là 33.996 đồng/CP, ước tính số tiền mà VPBank phải chi mua cổ phiếu quỹ khoảng 2.489 tỷ đồng. Nhóm cổ đông nắm cổ phiếu ưu đãi này được đảm bảo biên lợi nhuận là 15%, song giá mua lại của VPBank vẫn thấp hơn 19% so với thị giá cổ phiếu VPB trên sàn thời điểm này.

Theo VPBank, số cổ phần ưu đãi mua lại này sẽ được ngân hàng sử dụng để phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn đã trình Ngân hàng Nhà nước và được chấp thuận.

Ở chiều ngược lại, tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT VPBank sẽ trình phương án bán ra 31 triệu cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên với giá bán là 10.000 đồng/CP, thấp hơn 50% thị giá VPB trên sàn. Nhưng cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng, cụ thể: 30% số cổ phần được giải tỏa sau 1 năm, 35% được giải tỏa sau 2 năm và 35% còn lại được giải tỏa sau 3 năm. Dự kiến, ngân hàng sẽ bán cổ phiếu quỹ trong quý II/2019.

Từ hai hoạt động mua bán cổ phiếu quỹ, câu hỏi đặt ra là vì sao VPBank chấp nhận mua lại cổ phiếu cũ với giá 33.996 đồng/CP, cao hơn 75% so với thị giá VPB hiện tại chỉ có 19.450 đồng/CP? Nếu thực hiện mua vào, ngân hàng sẽ phải chấp nhận “tạm lỗ” hơn 1.065 tỷ đồng khi ôm lại lô cổ phiếu quỹ này và chờ đợi “sang tay” cho nhà đầu tư nào?

Trong khi đó, nhằm mục tiêu “gắn kết, giữ chân nhân viên”, VPBank lại bán 31 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên với giá chỉ bằng 50% thị giá VPB trên sàn, tức ngân hàng đang chịu thua thiệt bán rẻ khoảng 293 tỷ đồng.

Ở góc độ đầu tư kinh doanh chứng khoán, xét riêng trong giao dịch mua – bán 31 triệu cổ phiếu quỹ, thì VPBank đang có thể bị “lỗ” tới 744 tỷ đồng do việc mua cao – bán thấp số cổ phiếu này. Đây là điều khá lạ lùng khi xem xét trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, nhất là khi khiến ngân hàng bị “hao hụt” đi khoản tiền hàng trăm tỷ đồng.

Tiếp tục tăng vốn 2.600 tỷ đồng

Sau các đợt tăng vốn lớn vừa qua, đến ĐHCĐ năm nay, VPBank tiếp tục trình phương án tăng vốn điều lệ theo hướng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tổng khối lượng chào bán tối đa khoảng 260 triệu cổ phiếu, mục tiêu là tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ lên mức tối đa 30%. Dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2019- 2020, tùy vào mức độ thuận lợi của thị trường và các thủ tục.

Đợt phát hành này sẽ bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu mới phục vụ đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động của VPBank.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 373.649 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm ngoái. Huy động và phát hành giấy tờ có giá mục tiêu tăng 15% lên 252.435 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng mục tiêu tăng 15% lên 265.408 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ nhỏ hơn 3%.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2018. Nếu loại trừ đi khoản thu nhập bất thường tư phí bảo hiểm trong năm 2018 thì mức tăng là 14%.

Theo Kim Anh/Kinh tế môi trường