QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘Không chia nhỏ gói thầu, kiên quyết chống tham nhũng tại dự án cao tốc Bắc – Nam’

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ảnh: VGP

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6349/VPCP-CN ngày 23/9 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Văn bản nêu rõ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị Bộ GTVT tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 theo đúng thẩm quyền quy định.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ GTVT thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 19/02/2022 của Văn phòng Chính phủ; không chia nhỏ gói thầu. Vì quá nhiều gói thầu sẽ mất rất nhiều thời gian, khó liên thông kết nối, gây chậm trễ, tăng kinh phí, tăng tổng mức đầu tư… 

Bên cạnh đó, phải lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định.

Như VietnamFinance trước đó thông tin, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo báo cáo này, Bộ GTVT cho biết dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm công trình đường bộ cấp 1, công trình hầm đường bộ và cầu đường bộ từ cấp 3 trở lên.

Theo quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu, nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu phải đáp ứng các điều kiện như có chứng chỉ năng lực hạng I đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét; có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (có cùng loại và cấp công trình) và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính phải đáp ứng yêu cầu doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng 3 năm gần nhất phải tương đương với giá gói thầu đang xét. Đồng thời, nhà thầu phải huy động nhân sự, máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô gói thầu để triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Trường hợp nhà thầu tham gia nhiều gói thầu thì phải đảm bảo không có sự trùng lặp về nhân sự, máy móc, thiết bị giữa các gói thầu và đáp ứng nguồn lực tài chính bố trí cho từng gói thầu.

Trường hợp liên danh để tham gia gói thầu, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh.

Chiếu theo các quy định này, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, trong 10 năm qua, có khoảng 48 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông cấp II trở lên có tính chất kỹ thuật tương tự và có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 350 tỷ đồng.

Trong số này có 18 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 350 – 500 tỷ đồng, 16 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 500 – 1.000 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 1.000 – 1.500 tỷ đồng; 7 nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng có giá trị hợp đồng từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Đối với tư vấn giám sát, trong 5 năm qua có khoảng 27 tư vấn đã tham gia giám sát thi công xây dựng công trình giao thông cấp II trở lên có giá trị hợp đồng từ 2 tỷ đồng trở lên. Trong đó, có 7 tư vấn tham đã gia hợp đồng từ 2 – 5 tỷ đồng, 7 tư vấn đã tham gia hợp đồng từ 5 – 10 tỷ đồng; 8 tư vấn đã tham gia hợp đồng từ 10 – 20 tỷ đồng; 3 tư vấn đã tham gia hợp đồng từ 20 – 30 tỷ đồng; 2 tư vấn đã tham gia hợp đồng trên 30 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết theo dự án đầu tư được duyệt, tổng mức đầu tư các dự án thành phần có giá trị khoảng 7.643 – 20.500 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng khoảng 5.932 – 15.131 tỷ đồng.

Từ thực tiễn triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, Bộ GTVT cho rằng nếu phân chia với phạm vi khoảng 20 – 40km/1 gói thầu sẽ có giá trị dự kiến khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng, khi đó 1 gói thầu thi công xây dựng khoảng 3 nhà thầu liên danh sẽ thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thi công và quản lý chi phí đối với các nhà thầu trong liên danh cũng như của chủ đầu tư.

Trường hợp phân chia gói thầu có quy mô từ 5.000 – 15.000 tỷ đồng, Bộ GTVT cho biết trong 5 năm gần đây chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 3.642 tỷ đồng, có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 7.284 tỷ đồng,

Mở rộng ra 10 năm gần đây thì cũng chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 5.715 tỷ đồng, có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 11.430 tỷ đồng; các nhà thầu được khảo sát còn lại không đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có quy mô từ 5.000 – 15.000 tỷ đồng với tư cách là nhà thầu độc lập, mà phải thành lập liên danh (5 – 10 nhà thầu) mới đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để tham gia gói thầu.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc nhiều nhà thầu chính tham gia 1 gói thầu thi công xây dựng (số lượng liên danh nhiều hơn 5 nhà thầu/1 gói thầu) thì việc quản lý thực hiện hợp đồng sẽ gây khó khăn trong bố trí mặt bằng, tập kết vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị; đường công vụ, phương án điều phối vật liệu đào, đắp; phương án tổ chức thi công, văn phòng điều hành, lán trại; đảm bảo an ninh, trật tự trên công trường…

Đặc biệt, Bộ GTVT cho rằng việc quá nhiều nhà thầu tham gia 1 gói thầu sẽ khó phân định trách nhiệm giữa các nhà thầu nếu có vi phạm chất lượng, tiến độ. Mặt khác, tương ứng giá trị gói thầu xây lắp từ 5.000 – 15.000 tỷ đồng, gói thầu tư vấn giám sát sẽ có giá trị khoảng 40 – 60 tỷ đồng, nhưng hiện nay có không nhiều nhà thầu tư vấn giám sát đáp ứng được yêu cầu.

Ngược lại, nếu phân chia gói thầu có quy mô nhỏ sẽ có nhiều nhà thầu tham gia thực hiện dự án, khó đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, tiến độ, đồng thời không thu hút được các nhà thầu mạnh có năng lực, kinh nghiệm tham gia.

Để đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các nhà thầu, Bộ GTVT kiến nghị phân chia gói thầu với phạm vi khoảng 20 – 40km/1 gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng (12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729km dự kiến sẽ được chia thành 30 gói thầu).

Cũng theo đề nghị của Bộ GTVT, số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/1 gói thầu. Với số lượng nhà thầu đáp ứng quy mô gói thầu có giá trị 1.500 tỷ đồng trở lên không nhiều, do đó một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn 1 gói thầu (nếu đáp ứng năng lực thực hiện).

Bộ GTVT đánh giá việc phân chia gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng tương ứng với hợp đồng tư vấn giám sát có giá trị khoảng 20 – 40 tỷ đồng, sẽ phù hợp năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn giám sát của Việt Nam hiện nay.

Theo Tuấn Anh/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/khong-chia-nho-goi-thau-kien-quyet-chong-tham-nhung-tai-du-an-cao-toc-bac-nam-20180504224274501.htm