QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kiểm soát giá xăng dầu, chặn đà lạm phát lớn

“Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Thế nên, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng”.

Lo ngại hiệu ứng “domino” tăng giá

Ngày 1/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước. Vấn đề giá cả hàng hóa tăng cao thời gian qua, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu được nhiều đại biểu quan tâm, dành thời gian để thảo luận, kiến nghị các giải pháp.

Trước vấn đề giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong thời gian vừa qua, các ĐBQH đều lo lắng và cho rằng đây là mặt hàng quan trọng, nếu tăng cao sẽ dẫn đến “hiện tượng domino” làm tăng giá các mặt hàng khác.

Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại Quốc hội ngày 1/6, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). (Ảnh: Quochoi.vn)

“Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%. Riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp hai lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021 tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm”, ĐBQH Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Do đó, ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu.

Ngoài ra, trước tình trạng giá hàng hóa liên tục tăng như hiện nay, các chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát có thể tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn cuối năm.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng trước mắt, lạm phát trong 4 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm chưa nói lên “sức nóng” của giá cả. “Tình hình sẽ thay đổi nhanh trong những tuần tới khi giá xăng, dầu đã lan vào giỏ thực phẩm, mâm cơm của người dân và chưa dừng ở đó”, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm. Từ đó tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý, đồng thời kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng, dầu, điện nước.

“Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Thế nên, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng. Về lâu dài, tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng, dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài. Khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động hơn trong phần nguyên liệu đầu vào để giảm nguy cơ lạm phát…”, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung phân tích.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt

Nhiều chuyên gia nhận định, giá xăng tăng tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Lạm phát tăng cao, đồng nghĩa chi ngân sách tăng, chi đầu tư công sẽ tăng, đồng thời gây áp lực tới lãi suất trong nước.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM), Chính phủ cần lưu ý đến giá xăng dầu và giá lương thực. Ông cho rằng Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. (Ảnh minh họa)

Để thực hiện các mục tiêu đó, vị đại biểu là chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu. Bởi đại biểu Trần Hoàng Ngân lo ngại nếu để giá xăng dầu tăng cao, sẽ xảy ra hiệu ứng “domino” với các mặt hàng khác.

Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát giá cả hàng hóa, triển khai các chương trình bình ổn giá.

Có thể thấy, giá xăng, dầu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép đến lạm phát năm 2022. Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước được bảo đảm trong điều kiện nguồn cung và giá xăng dầu thế giới nhiều biến động. Tuy nhiên, để ổn định thị trường, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ nên tiếp tục xem xét việc giảm thuế đối với xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân.

“Nghiên cứu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy cần khẩn trương thực hiện linh hoạt hiệu quả bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ”, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu.

Từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% nhưng theo các chuyên gia, vẫn như “muối bỏ bể” trước đà tăng giá thế giới. Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nhà điều hành cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng, dầu và các loại thuế, phí. Cách để giữ giá của mặt hàng chiến lược này là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Cũng có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu.

“Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường”- ông Lâm nói và nhận định, việc giảm thuế đối với xăng, dầu không làm giảm thu ngân sách Nhà nước mà chỉ thay đổi cơ cấu thu.

Chiều 1/6, Liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 920 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 30.230 đồng/lít và xăng RON 95 là 31.570 đồng/lít.

Như vậy, đây là đợt tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 11 của mặt hàng này chỉ trong nửa đầu năm 2022. Hiện, giá bán lẻ các loại xăng đã lập đỉnh mới, riêng xăng RON 95 vượt mốc 31.500 đồng/lít, cao hơn mức thiết lập kỳ điều hành 23/5 vừa qua.

Theo Lan Anh/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/kiem-soat-gia-xang-dau-chan-da-lam-phat-lon-67707.html