QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kinh tế toàn cầu năm 2023: Đốm sáng đã xuất hiện

 Với căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và cuộc chiến chống lạm phát tiếp tục đè nặng, kinh tế toàn cầu ghi nhận nhiều dấu hiệu đáng ngại vào năm 2023. Tuy nhiên, theo tờ The Wall Street Journal, tình trạng này được dự báo sẽ không nghiêm trọng như các nhà kinh tế lo sợ và nhiều khả năng thế giới sẽ tránh được một cuộc suy thoái nặng nề.

Nhiều rủi ro bủa vây

Theo nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Alvaro Santos Pereira, thế giới hiện đang đối mặt với một triển vọng kinh tế rất khó khăn. Kịch bản trung tâm là sự suy giảm tăng trưởng đáng kể cũng như lạm phát vẫn ở mức cao, mặc dù đã giảm ở nhiều quốc gia.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có nguy cơ chậm lại. Viễn cảnh u ám này bắt nguồn từ các nguyên nhân như ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, kinh tế giảm tốc tại các nền kinh tế lớn, chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm ngăn lạm phát tăng cao cũng như tình trạng gián đoạn nguồn cung, rủi ro về nợ công và mất an ninh lương thực kéo dài.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings hồi tháng 12/2022 đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% từ mức 1,7% trước đó. Còn trong một phân tích được công bố hồi cuối tháng 11/2022, Viện Tài chính Quốc tế dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ là 1,2% vào năm 2023, ngang bằng với năm 2009, khi thế giới chỉ mới bắt đầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.

Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ tụt lại phía sau. Ông David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cảnh báo rằng các nước đang phát triển đối mặt một rủi ro kinh tế khác. Đó là các chính sách kiểm soát lạm phát và suy giảm kinh tế tại các nền kinh tế tăng trưởng khiến họ rơi vào cảnh thiếu vốn khi dòng tiền đầu tư giảm sút.

Theo dự báo của Fitch Ratings, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ giảm từ mức 0,5% xuống còn 0,2% trong năm 2023 “bởi tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ gia tăng”. Trong năm 2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ những năm 1980 với 7 lần nâng lãi suất liên tục nhằm khống chế lạm phát, trong đó có 4 đợt tăng với bước nhảy lãi suất lớn 0,75 điểm phần trăm. Điều này đã khiến chi phí vay nợ gia tăng đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời đặt ra nguy cơ suy thoái kinh tế.

Còn tại châu Âu, IMF cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng tại châu lục này sẽ ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng và đẩy lạm phát leo thang. Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi, quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, cho rằng nếu khí đốt của Nga không còn chảy vào châu Âu, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023 và tiếp diễn trong một thời gian dài.

Theo các chuyên gia, nếu thời tiết thuận lợi và có kỹ năng quản lý chính sách hiệu quả, châu Âu có thể tránh được suy thoái. Nếu không, nền kinh tế chung có thể lao dốc tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Triển vọng năm 2023 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng được đánh giá là tương đối mờ mịt khi nước này đối mặt các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. IMF dự báo kinh tế Trung Quốc có thể tăng tốc lên mức 4,4% trong năm 2023 với điều kiện nước này dần nới lỏng chính sách zero-Covid (không Covid). Dù vậy, các chuyên gia cho rằng đây chưa hẳn là “chiếc đũa thần” hóa giải hết tất cả những khó khăn mà quốc gia tỷ dân này đang phải đối mặt.

Điểm sáng châu Á

Châu Á được dự đoán sẽ là khu vực tăng trưởng tích cực và trở thành “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Trong báo cáo “Asia Sails Into Headwinds From Rate Hikes, War, and China Slowdown” (tạm dịch: Châu Á vượt qua những cơn gió ngược từ lãi suất tăng, căng thẳng địa chính trị đến kinh tế Trung Quốc giảm tốc), IMF nhận định châu Á là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu vốn đang ngày càng ảm đạm.

IMF dự báo khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm 2023. Dù con số này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 5,5% mà châu Á duy trì được trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhưng nó vẫn cao hơn nhiều so với châu Âu và Mỹ.

Hãng S&P Global Market Intelligence cũng dự báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn đóng góp 35% tổng sản phẩm thế giới (GDP), sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, nhờ các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí cạnh tranh.

Theo ông Taosha Wang, nhà quản lý danh mục đang làm việc cho quỹ Fidelity, châu Á có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, không giống như rất nhiều khu vực khác nơi lạm phát cao đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt điều kiện tài chính.

Một trong những nền kinh tế được kỳ vọng là Ấn Độ khi đang bước vào giai đoạn “vàng” cho tăng trưởng kinh tế. Hiện Ấn Độ là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn với chi phí rẻ. Nước này cũng đang ở vị trí sẵn sàng trở thành công xưởng của thế giới khi thực hiện các chính sách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế số, thị trường nước này cũng đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2030, tức là tăng gấp 10 lần so với năm 2020.

Còn tại Mỹ và châu Âu, ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), cho rằng kinh tế hai khu vực này có khả năng sẽ suy thoái, nhưng trong thời gian ngắn và mức độ không lớn. Ông dự đoán nền kinh tế của Mỹ và châu Âu có thể tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý IV/2023.

Giới đầu tư cho rằng Fed có thể tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” sau khi lạm phát tại nước này giảm dần. Trong trường hợp này, mọi tín hiệu đáng ngại của nền kinh tế đều được coi là tin tốt. Ngoài ra, thị trường lao động thắt chặt và bảng cân đối tài chính hộ gia đình Mỹ vẫn ở mức tốt và đang hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng, một động lực chính giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi.

Về phần châu Âu, những gián đoạn kinh tế do thiếu hụt nguồn cung năng lượng sau các đợt cấm vận Nga đã giảm bớt và không nghiêm trọng như các nhà phân tích dự đoán trước đó. Các chính phủ châu Âu cũng đã tung ra các gói hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình lớn hơn dự báo để giúp họ ứng phó với chi phí năng lượng, thực phẩm tăng cao. Các nhà kinh tế từ công ty tài chính Barclays dự đoán tổng sản phẩm quốc nội ở châu Âu sẽ giảm 1,3%, ít hơn so với trường hợp xấu nhất được dự kiến là giảm 5%.

Dù có những dấu hiệu khá khả quan, các nhà kinh tế học vẫn cảnh báo nền kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi bấp bênh trong năm 2023. Trong bối cảnh lạm phát sẽ hạ nhiệt và các nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong những năm tới, S&P kỳ vọng tăng trưởng GDP trên toàn cầu sẽ tăng lên 2,8% trong năm 2024 và 3% trong năm 2025.

Theo Lê Anh/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/kinh-te-toan-cau-nam-2023-dom-sang-da-xuat-hien-20180504224279951.htm