QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kinh tế tư nhân: Động lực cất cánh của nền kinh tế Việt Nam

30 năm là thời gian Việt Nam bắt đầu làm quen với thuật ngữ kinh tế thị trường. 30 năm cũng là tuổi đời của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đầu tiên của Việt Nam. Từng ấy thời gian lăn lộn giữa sân chơi lớn, ngoài các lĩnh vực nền tảng liên quan đến an ninh quốc phòng vẫn đang được ưu tiên cho kinh tế nhà nhà nước, DNTN đang dẫn đầu hầu hết ngành nghề kinh doanh, từ nông nghiệp, đến công nghiệp, dịch vụ, du lịch và tài chính.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long do Tập đoàn Sun Group đầu tư là cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam, có thể đón được những tàu quốc tế siêu lớn.

Sức vóc kinh tế tư nhân

Trong những năm gần đây, GDP Việt Nam luôn tăng trưởng với các con số ấn tượng. 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,76%. Thành quả này có sự góp công rất lớn từ nền kinh tế tư nhân. Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Đặc biệt, hơn một thập niên qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp và góp phần quan trọng trong chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề thông qua tạo việc làm, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp, tham gia đầu tư vào các thị trường ngách, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Báo cáo phát triển bền vững khu vực DNTN của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ước tính trong giai đoạn 2015 – 2016, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp gần 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Con số tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân luôn giữ ổn định tới nay, dù nền kinh tế quốc tế, Việt Nam đang trải qua nhiều biến động, thách thức lớn.

Là một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, giải quyết việc làm luôn là vấn đề đau đầu của chính phủ. Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2011 – 2016, DNTN trung bình mỗi năm tạo hơn 500.000 việc làm, chiếm khoảng 62% tổng số việc làm trong toàn bộ khối doanh nghiệp. Thu nhập bình quân/lao động trong khu vực này cũng tăng dần qua các năm, từ 46 triệu đồng/năm/lao động năm 2011 lên khoảng 76 triệu đồng/năm/lao động năm 2016 và liên tục tăng tới nay.

“Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm”

Nhìn vào sự phát triển và những đóng góp của kinh tế tư nhân, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright Việt Nam, khẳng định kinh tế tư nhân là một trong ba trụ cột của một nền kinh tế: khu vực tư nhân – khu vực nhà nước – xã hội dân sự. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân được cho là có vai trò dẫn dắt.

Sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam do Tập đoàn Sun Group xây dựng tại Vân Đồn, Quảng Ninh góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế và du lịch của tỉnh. 

Thời gian qua, Chính phủ cũng đang dốc toàn lực hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển như: giảm chi phí cho doanh nghiệp như chi phí bến bãi, lãi vay ngân hàng, một số chi phí không chính thức, chi phí giao thông vận tải, chi phí logistic… đồng thời kêu gọi DNTN đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần 2/2017: “Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách Nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm” và nhiều lần bày tỏ mong muốn kinh tế tư nhân đóng góp 60% GDP.Kỳ vọng ấy cũng được cụ thể hóa qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, xác định phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp tư nhân, đến năm 2025 là hơn 1,5 triệu doanh nghiệp, con số đó sẽ đạt ít nhất hơn 2 triệu vào năm 2030.Những hy vọng của Đảng và Chính phủ chính là sự thừa nhận mạnh mẽ nhất về vai trò của DNTN trong quá trình thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế Việt Nam. Và hơn bao giờ hết, niềm tin đang được đặt lên vai các Tập đoàn tư nhân lớn.

Những “sếu đầu đàn” sẽ đưa Việt Nam bứt phá

Qua hơn 30 năm mở cửa, khối FDI chỉ ghi danh trong bảng vàng xuất khẩu còn không đem lại gì nhiều cho Việt Nam về công nghệ, lao động hay thuế. Tốc độ tăng luồng tiền chảy ra nước ngoài lớn hơn mức tăng trưởng GDP chỉ chứng tỏ thêm rằng Việt Nam vẫn luôn chịu thiệt. Vì vậy, nâng cao sức mạnh của khối nội là bài toán sống còn và trách nhiệm này rơi vào tay các DNTN trong nước. Và như lời Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Muốn có một Việt Nam hùng cường thì phải dựa vào những tập đoàn tư nhân lớn và coi đây là lực lượng tiên phong bứt phá trong tương lai”.

Những khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế được xây dựng bởi Tập đoàn Sun Group đã làm thay đổi bộ mặt du lịch của Việt Nam. 

Sự lạc quan này là có cơ sở, khi nhìn vào bài học phát triển kinh tế của thế giới với sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia. Đó là những Samsung, Lotte của Hàn Quốc, Toyota, Honda của Nhật, Huawei của Trung Quốc hay Apple của Mỹ… Sức ảnh hưởng và khả năng dẫn dắt, nâng đỡ các thành phần kinh tế khác của các tập đoàn lớn này là không thể chối cãi và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Một thập kỷ qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam mới được thế giới biết đến qua những tên tuổi của của các Tập đoàn tư nhân như: VinGroup, Sun Group, FLC, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan… Và xe hơi VinFast, Cầu Vàng, Cảng hàng không Vân Đồn, hãng hàng không Vietjet Air, Bamboo Airway… chính là những dấu ấn tiêu biểu của các thương hiệu Việt trong thời gian qua.

Khó có thể đo đếm hết được những gian truân trên con đường gây dựng để đi đến thành công của các Tập đoàn kinh tế lớn đó. Dường như nếu chỉ đặt ra những lợi ích kinh tế, sẽ rất ít người có đủ kiên trì bền gan đi đến ngày hôm nay. Chính hoài bão, niềm tin và khát vọng xây dựng những thương hiệu mạnh của người Việt, không chỉ ở thị trường nội địa mà cả trên thị trường quốc tế mới là động lực chính, để những tập đoàn này theo đuổi con đường của họ.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng xác định sứ mệnh của tập đoàn là: “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt Nam”. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương đề ra mục tiêu: “Thaco trở thành tập đoàn đa ngành, chủ yếu là ô tô của Việt Nam và mang tầm ASEAN”. Còn ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group, từng bày tỏ: “Khát vọng và mong muốn của chúng tôi là biến Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch. Đây là một cách thể hiện lòng yêu nước của con người Việt Nam”.

Với quyết tâm đó, chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi có sự xuất hiện của các Tập đoàn kinh tế tư nhân, đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa tinh thần của Việt Nam đã có sự lột xác. Nếu biết lựa chọn ngành ưu tiên và hỗ trợ cho những cái tên có khả năng thắng cuộc, như dự đoán của một vị chuyên gia kinh tế, chỉ 20 – 30 năm nữa, Việt Nam sẽ có được những “người khổng lồ” đúng nghĩa.

Theo Hương Thảo/Kinh tế & đô thị