QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãi suất huy động tiếp tục “nóng”

Câu chuyện lãi suất huy động dịp cuối năm lại tiếp tục nóng khi VPBank nâng mức lãi suất 8,3%, 8,4%, 8,5% tùy theo mức tiền gửi và cao nhất đã lên tới 8,6%/năm ở các kỳ hạn từ 13 – 24 và 36 tháng.

Ngày 7/12/2018, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố biểu lãi suất huy động VND mới, với những mức cao mới và kẻ thẳng ở các kỳ hạn thuộc diện áp trần trong một sản phẩm huy động.

Cụ thể, ở sản phẩm tiết kiệm “Phát lộc thịnh vượng”, VPBank đã chính thức gia nhập nhóm có lãi suất huy động VND ở vùng cao nhất trên thị trường hiện nay. Tùy theo mức tiền gửi, ngân hàng này áp 8,3%, 8,4%, 8,5% và cao nhất đã lên tới 8,6%/năm ở các kỳ hạn từ 13 – 24 và 36 tháng.

Đáng chú ý, VPBank đã nâng mức lãi suất kịch trần 5,5% được cho phép cho tất cả các kỳ hạn từ 1-5 tháng, không phân biệt kỳ hạn ở phân khúc này.

Trước đó, trong quý III vừa qua thị trường đã có những mức lãi suất huy động cao từ 8,4 – 8,5%/năm, nhưng ở nhóm thành viên có quy mô nhỏ, đang hoặc vừa thực hiện tái cơ cấu.

Trong đó, Viet Capital Bank tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%, lên mức 8,6% ở bốn kỳ hạn dài 2-5 năm. Với kỳ hạn 18 tháng, khách hàng được hưởng mức lãi khá cao là 8,5%/năm.

Như vậy, trước cuộc đua lãi suất huy động mùa cuối năm của ngân hàng, một lần nữa cơ chế áp trần lãi suất huy động VND trở lại với vai trò nổi bật…

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ts. Cấn Văn Lực cho biết, dù lãi suất tiền gửi liên tục tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay nhưng về cơ bản, lãi suất đầu ra khó có thể tăng mạnh. Bởi lẽ NHNN đang nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm tiếp tục ổn định.

Ngoài ra, việc lãi suất huy động tăng khiến gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn trong bối cảnh chứng khoán tăng, giảm bấp bênh; thanh khoản trên thị trường bất động sản có xu hướng giảm… Ngược lại, với các doanh nghiệp, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí tài chính, từ đó tăng chi phí sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, tại nhiều thời điểm có những kiến nghị, chất vấn Ngân hàng Nhà nước về việc bỏ cơ chế áp trần lãi suất huy động VND, để tăng tính thị trường trong hoạt động của hệ thống. Bởi lãi suất huy động tăng, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Hơn nữa, nợ xấu tại nhiều ngân hàng vẫn cao, nên vẫn đang phải bù lỗ cho quá khứ, cùng chi phí hoạt động cao là lý do để tăng lãi suất cho vay.

Trước quan điểm này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc áp dụng trần lãi suất trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Khi hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn lành mạnh hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét dỡ bỏ biện pháp hành chính không cần thiết.

Theo Anh Minh/Thương gia