QC 1
Thứ 6, ngày 08/11/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãi suất tăng tiền chảy về nhà băng, ngân hàng nào hút nhiều tiền gửi nhất?

Nhóm Big 4 là những ngân hàng dẫn đầu về thu hút tiền gửi tiết kiệm trong 6 tháng đầu năm. Trong khi nhiều ngân hàng tư nhân có mức tăng trưởng tiền gửi tới hai con số. Lãi suất đi lên đã hút tiền vào ngân hàng.

Những ngân hàng có nhiều tiền gửi nhất nửa đầu 2024

Tính tổng 6 tháng đầu năm, tổng tiền gửi tại 29 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank) đạt gần 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 4% hay 473.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.

Trước đó, trong quý I, nếu loại trừ Agribank, tổng tiền gửi chỉ tăng 0,7% so với cuối năm 2023.

Có thể thấy, sau quý đầu năm tăng chậm, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong quý II bật tăng mạnh.

Xét về quy mô, Agribank đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng về việc thu hút gửi tiết kiệm với 1,83 triệu tỷ đồng tiền gửi vào cuối quý II, tăng 0,9% (tương đương khoảng 16.900 tỷ đồng) so với cuối năm ngoái.

Theo rất sát là BIDV với tổng tiền gửi đạt 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 6% (tương đương 102.200 tỷ đồng so với cuối năm ngoái).

Hai thành viên còn lại trong nhóm Big4 là VietinBank và Vietcombank cũng đang bám rất sát. 6 tháng đầu năm, tổng tiền gửi tại VietinBank là 1,47 triệu tỷ đồng tăng 4% so với cuối năm 2023.

Còn số dư tiền gửi của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm là 1,37 triệu tỷ đồng, giảm 1,5% so với cuối năm 2023.

Như vậy, cả 4 thành viên trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều là những ngân hàng dẫn đầu về thu hút tiền gửi tiết kiệm trong 6 tháng đầu năm.

Những vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng 10 ngân hàng thu hút gửi tiết kiệm nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm thuộc về các ngân hàng cổ phần tư nhân. Vị trí từ thứ 5 đến thứ 10 lần lượt thuộc về Sacombank, MB, ACB, SHB, Techcombank và VPBank.

Đáng chú ý, Sacombank có tốc độ huy động tích cực, cao hơn mức bình quân ngành. Tổng lượng tiền gửi vào ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm đạt gần 642.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, trong đó 82% tiền gửi từ khách hàng cá nhân.

Tiếp theo là MB với số dư tiền gửi đạt 618.618 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm ngoái. MB duy trì tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) dẫn đầu thị trường ở mức 38,83% nhờ nền tảng khách hàng lớn và giao dịch qua kênh số. Lợi thế này giúp MB tiết kiệm chi phí vốn đầu vào và tăng hiệu quả kinh doanh đáng kể.

ACB đứng ở vị trí tiếp theo khi có số dư tiền gửi tính đến cuối quý II/2024 đạt 512.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm nay, vượt so với tăng trưởng bình quân ngành. Tỷ lệ CASA đạt 22%, nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường.

Tại SHB, huy động vốn thị trường 1 trong 6 tháng đầu năm đạt 500.177 tỷ đồng. Nhiều năm qua, SHB luôn nằm trong nhóm tăng trưởng huy động cao hơn bình quân ngành.

Tại VPBank, tiền gửi của khách hàng tại thời điểm cuối quý II/2024 của nhà băng này đạt 471.349 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng tại Techcombank đến cuối tháng 6 đạt 481.900 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA đạt 37,4%, còn số dư CASA vẫn giữ ở mức cao nhất trong lịch sử, ở mức hơn 180.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, hầu hết ngân hàng đều có tổng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm tăng. Chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm so với đầu năm, bao gồm Vietcombank, TPBank, VietABank và ABBank. Trong đó, ABBank ghi nhận số dư tiền gửi giảm nhiều nhất, 14,5%, tương đương 14.500 tỷ đồng.

LPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất trong kỳ. LPBank và 3 ngân hàng khác tăng trưởng tiền gửi tới hai con số. Cụ thể, LPBank tăng 21,4%, tương đương 50.700 tỷ đồng; MSB tăng 14,7% tương đương 19.400 tỷ đồng; OCB tăng 12,4% tương đương 15.600 tỷ đồng; NCB tăng 11,1% tương đương 8.600 tỷ đồng.

Lãi suất đi lên, tiền chảy nhiều vào ngân hàng

Từ đầu quý II/2024, lãi suất tiền gửi đã bắt đầu tăng trở lại từ mức đáy ghi nhận vào cuối tháng 3.

Tham khảo biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND thường tại quầy của các ngân hàng trong ngày đầu tháng 8 cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng so với tháng trước, với mức tăng thêm từ 0,1-1,3%, nhiều ngân hàng vượt mốc 6%/năm. Lãi suất huy động cao nhất (gửi tiết kiệm trực tuyến) ở mức 6,2%/năm.

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm đi lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt khoảng 6%, tăng mạnh trong bối cảnh 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm.

Một số ngân hàng cho biết điều chỉnh nhích lên lãi suất huy động nhằm chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng thường tăng cao vào giai đoạn cuối năm.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, xu hướng tăng lãi suất sẽ tiếp diễn để phù hợp hơn với diễn biến của thị trường.

Các chuyên gia của UOB Việt Nam dự báo, trong nửa cuối năm, lãi suất có thể tăng thêm 0,25-0,75 điểm % để tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn 1-12 tháng ở mức 3-6%/năm.

Còn các nhà phân tích của MBS Research nhận định lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024. Nhưng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận mặc dù hiện nay người dân có thể đã bắt đầu tích lũy trở lại nhưng tiền tiết kiệm vẫn tăng.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng trở lại, dù chưa quá cao, song trước bối cảnh các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản…) chưa hồi phục rõ nét, tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng, nên tiết kiệm tăng kỷ lục.

Ông Huân cho rằng tuy có dấu hiệu chuyển hướng sang kênh đầu tư phù hợp nhưng chưa rõ ràng hình thành nên xu hướng tiết kiệm hay đầu tư. Dòng tiền vẫn nằm trong ngân hàng chờ cơ hội đầu tư sang những kênh khác và điều này sẽ tiếp tục tạo ra việc tăng tiết kiệm và tăng CASA, giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí, duy trì biên lãi ròng (NIM) tăng.

Theo Minh Dũng/Vietnam Finance