QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãi suất thế nào để cho doanh nghiệp bất động sản tồn tại

Mỗi ngân hàng có một phương án lãi suất khác nhau, lợi hại ra sao còn tùy thuộc từng giải pháp chi trả của người vay. Tuy nhiên, việc lựa chọn vay ngân hàng nào để cân đối bài toán vay – trả đối với các doanh nghiệp bất động sản cũng là một bài toán nan giải…

Từ chuyện lãi suất

Để đáp ứng nhu cầu mua nhà trả góp của khách hàng, hiện các ngân hàng ồ ạt tung ra sản phẩm cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, để lựa chọn được một phương án vay lý tưởng không đơn giản.

Khách vay mua nhà luôn muốn dự án mình mua có liên kết tài trợ vốn với nhóm những “ông lớn” ngân hàng như Vietcombank, BIDV hay VietinBank. Bởi lẽ lãi suất của những ngân hàng này luôn ở mức tương đối thấp so với mặt bằng.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, “danh hiệu” ngân hàng có lãi suất thấp nhất lại thuộc về một ngân hàng ngoại là Hong Leong Bank. Hiện tại khi vay mua nhà tại đây, khách hàng có thể chọn gói lãi suất ưu đãi cố định trong 12 tháng đầu là 6,5%/năm hoặc 24 tháng với lãi suất 7,5%/năm. Hết thời gian hưởng lãi suất ưu đãi, lãi suất sẽ là 9,25%/năm.

Trong khi đó, tại Vietcombank lãi suất cho vay mua nhà cố định trong 12 tháng là 9%/năm, 24 tháng là 8,9% và 36 tháng là 9,4%. So với các ngân hàng 100% vốn ngoại mức lãi suất này tuy có cao hơn nhưng so với nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước thì vẫn là mức thấp nhất. Hiện BIDV đang áp dụng mức 11,4%/năm và VietinBank là 11%/năm.Shinhanbank hiện đang áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà năm đầu tiên là 7,8%/năm. Dù Shinhanbank có xu hướng tăng lãi suất cho vay nhưng nhìn chung vẫn nằm trong nhóm thấp trên thị trường. Hết thời gian ưu đãi, Shinhanbank và Ngân hàng Standard Chartered sẽ áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm. Cao nhất trong nhóm các ngân hàng nước ngoài, như UOB cũng chỉ đẩy mức lãi suất cho vay mua nhà sau khi hết thời gian ưu đãi đến 9,89%/năm.

Ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần dao động 11%-13,5%/năm. Đơn cử, tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), lãi suất cố định sáu tháng là 7,9%/năm, từ tháng thứ bảy trở đi khách hàng chịu lãi suất thả nổi được tính dựa trên công thức lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,7%.

Eximbank đưa ra mức lãi suất ưu đãi 24 tháng, 36 tháng cũng ngang bằng với lãi suất sau ưu đãi là 11%/năm; Sacombank là 13,5%/năm và Vietbank là 12,2%/năm.

Đến áp lực của ngành bất động sản

Các chuyên gia tài chính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định chủ trương của cơ quan quản lý nhà nước là hướng nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đồng thời giảm nguồn vốn vào lĩnh vực phi sản xuất, có rủi ro cao mà BĐS sẽ bị xem là một trong những lĩnh vực được quan tâm để kiểm soát chặt chất lượng tín dụng từ năm 2019.

Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng là 14%, tương đương năm 2018. Chính vì vậy, lượng vốn cho ngành BĐS chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2018; cùng với đó tỉ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng được thắt chặt.

Từ đầu tháng 1 năm nay, các ngân hàng đã giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40%. Nguồn vốn tín dụng này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả những cá nhân cho vay mua nhà cũng sẽ gặp khó.

Tuy nhiên, những điều chỉnh chính sách này được xem là rất cần thiết trong bối cảnh năm qua ngành BĐS giao dịch rất sôi động. Theo dự báo của BVSC, năm 2019 sẽ là một năm tăng trưởng chậm lại của ngành BĐS, từ 193,2% của năm 2018 xuống 43,6% trong năm nay.

Theo Quốc Trung/Thời báo Chứng Khoán