QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãi vay hạ nhiệt, vốn rẻ không dành cho số đông

Nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở để hạ lãi suất cho vay, tung ra các gói vay ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lo khó tiếp cận vốn.

Hàng loạt ngân hàng hạ lãi suất cơ sở

Bên cạnh các gói hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hàng loạt ngân hàng còn điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay.

Lãi suất cơ sở là dấu mốc để ngân hàng tính lãi suất cho vay. Thông thường, các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Như vậy, nếu lãi suất cơ sở giảm thì lãi suất cho vay sẽ hạ.

Đơn cử, tại TPBank, lãi suất cơ sở vừa được điều chỉnh giảm từ mức 10,4-11,9%/năm xuống còn 10,25-11,75%/năm.

Tương tự, SHB cũng điều chỉnh lãi suất cơ sở cao nhất từ 12,7% xuống còn 12,5%; lãi suất cơ sở thấp nhất được giảm từ 11,2% xuống 10,7%.

Sacombank cũng điều chỉnh mức lãi suất cơ sở thấp nhất từ 6,5% xuống còn 6,3%. Nhưng mức lãi suất cơ sở cao nhất lại được ngân hàng này nâng từ 10,1% lên 10,4%.

Ghi nhận tại nhiều ngân hàng, lãi suất cơ sở hiện nay trong khoảng 8-13%/năm, giảm từ 1-3% so với trước. Có thể kể đến lãi suất cơ sở tại Techcombank là 10,25-10,85%/năm; VietBank là 11-12%/năm; Eximbank là 8,8-10,1%; VIB là 9,3-11,5%/năm; VPBank là 10,6-12,6%/năm…

Không chỉ giảm lãi suất cơ sở nhằm giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng còn tung ra các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Sacombank vừa thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng vay tiêu dùng hoặc sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi từ 7,5-8,99%/năm.

SeABank cũng tung ra gói tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm đối với một loạt các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng VPBank dành ra nguồn vốn 7000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất giảm từ 0,5-1,5% dành cho doanh nghiệp ở mọi quy mô, kể cả siêu nhỏ, vừa và nhỏ.

Techcombank cũng đưa ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đang có các chương trình giảm lãi suất hoặc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp hơn thị trường.

Đến nay, cả 4 ngân hàng quốc doanh đều triển khai chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng.

Agribank thông báo giảm tối đa 3% lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng này cũng dành 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng.

VietinBank cũng vừa công bố gói ưu đãi lãi suất có quy mô 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.

BIDV cũng triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng áp dụng đến hết 30/4/2023. Khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.

Trước đó, Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023 đến hết tháng 4.

Ở nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng đã tiên phong thực hiện giảm lãi suất. Cụ thể, MBbank vừa triển khai chương trình giảm 1 điểm % lãi suất vay cho với khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. SeABank cũng giảm lãi suất cho vay tối đa 1 điểm % đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh. Sacombank vừa triển khai chương trình ưu đãi lãi suất với mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm. Ngân hàng Bản Việt cũng áp dụng chương trình cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất từ 10,5%/năm.

Doanh nghiệp lo khó tiếp cận

Ông Nguyễn Văn Nam, giám đốc một doanh nghiệp may mặc ở Hà Nội tâm sự: Một số ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay nhưng tôi nghĩ sự ưu đãi đó chỉ dành cho khách hàng VIP chứ những công ty nhỏ và vừa thì khó vay với mức lãi suất thấp. Vì các doanh nghiệp nhỏ rất khó có thể thỏa các yêu cầu về doanh số, chỉ tiêu lợi nhuận… mà ngân hàng đưa ra.

Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cho biết, hiện nay họ chỉ có nhu cầu giảm lãi suất chứ không có nhu cầu vay mới. Bởi các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khá gay gắt, buộc phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do đơn đặt hàng giảm rõ rệt trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Vì thế, yếu tố lãi suất sẽ tác động đáng kể lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Giám đốc một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mong muốn các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm thêm lãi suất để các doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, bởi lãi suất hiện nay vẫn tương đối cao so với biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất.

Năm 2021, lãi suất cho vay ngắn hạn được cố định ở mức 6,5-7%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay đã tăng gấp đôi mức đó.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, mặt bằng lãi suất huy động còn cao đã kéo theo lãi suất cho vay tăng lên đáng kể ở mức 12-14%/năm. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như người dân, khiến dòng chảy tín dụng chậm lại.

Liên quan đến chuyện tiếp cận vốn vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vay vốn cho người dân, doanh nghiệp; phải tổ chức đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp ngay trong tháng 2 này; đặc biệt là phải nắm rõ nguyên nhân các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào, do doanh nghiệp không đủ điều kiện hay ngân hàng không cho vay. Thông tin phải được báo cáo chi tiết về NHNN trước ngày 28/2.

Đại diện một số ngân hàng cho biết đang tìm cách tiếp cận doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn để đẩy mạnh cho vay, bởi từ đầu năm đến nay tín dụng tăng trưởng khá chậm.

Để hỗ trợ sản xuất, một số ngân hàng đưa ra các gói vay ưu đãi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất “giảm nhiệt” từ ngân hàng, điều quan trọng, doanh nghiệp cần kế hoạch kinh doanh khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ.

Theo Minh Dũng/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/lai-vay-ha-nhiet-von-re-khong-danh-cho-so-dong-20180504224281181.htm