QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lạm phát năm 2020 xuống dưới 4%: Cụ thể các kịch bản để không bị động

Năm 2019, Chính phủ và các địa phương đã điều hành lạm phát thành công, ở mức thấp 2,7 – 2,8%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Đây là nhận định của các đại biểu tại phiên họp cuối năm và đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ kế hoạch điều hành giá trong năm 2020 diễn ra ngày 25/12. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ -Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì.

 Mua bán thực phẩm sạch tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Như Ý

Năm 2019, lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm ,lạm phát tăng thấp nhất trong 3 năm qua giúp tạo hiệu quả hơn cho mức tăng trưởng kinh tế trên 7% của năm nay. Ngoài các yếu tố làm giảm áp lực với lạm phát, lãnh đạo các bộ, ngành nhấn mạnh tới cơ chế điều hành, hoạt động của Ban Chỉ đạo và sự phối hợp của các bộ, ngành tiếp tục được phát huy trong điều hòa cung cầu, minh bạch thông tin và góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Chính phủ, triệt tiêu lạm phát kỳ vọng.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc kịp thời, khách quan của các cơ quan truyền thông, báo chí về cung cầu hàng hóa.Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù nguồn cung thịt lợn thiếu hụt làm giá thịt lợn tăng nhưng xét về tổng thể, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, tăng tới 760.000 tấn so với năm 2018, góp phần bù đắp sự thiếu hụt này.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trong bối cảnh lạm phát năm 2019 thấp, nếu Bộ Y tế linh hoạt hơn trong đưa chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế thì lạm phát sẽ nằm trong khoảng 3,3 – 3,9%, theo đúng kịch bản mà Ban Chỉ đạo điều hành giá đưa ra từ đầu năm 2019.

Hiện nay, để tích hợp chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế phải xác định mức kinh tế – kỹ thuật của 9.000 loại dịch vụ (hiện mới xác định được định mức của 60 dịch vụ phổ biến nên chưa thể ban hành Thông tư hướng dẫn việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2019).

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng gợi ý và nhận được sự đồng tình của Bộ Y tế, BHXH và Bộ Tài chính về việc giao Bộ Y tế ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn việc tích hợp chi phí khám chữa bệnh đối với từng nhóm dịch vụ đã xác định được định mức kỹ thuật để bảo đảm tính kịp thời, phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá trong năm 2020.

Quý I không điều chỉnh giá dịch vụ công

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng điều hành giá năm 2020 cần phải được xem xét dựa trên các khía cạnh xung đột thương mại và địa chính trị trên toàn cầu, việc điều hành linh hoạt tỷ giá và chính sách tiền tệ theo thị trường và phát huy cơ chế điều phối giữa các bộ, ngành, địa phương…

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê đều đưa ra các kịch bản điều hành giá của riêng mình cho năm 2020, trong đó các cơ quan đều có 2 kịch bản dưới 4% và kịch bản cuối cùng xấu nhất là trên 4%.

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, dù là kịch bản nào thì trong quý I/2020, lạm phát sẽ tăng cao trên 4% vì sức ép tăng giá từ các mặt hàng thịt lợn (giá tăng khoảng 5%, một số mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán và giá xăng, giá gas). Ông Tuấn đề nghị trong quý I không nên điều chỉnh bất kỳ giá dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Đối với giá thịt lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, từ tháng 1/2020, sẽ bắt đầu cung ứng thịt lợn từ tái đàn và tiếp tục nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu người dân.Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá công tác điều hành giá năm 2020 sẽ thách thức hơn năm 2019 nhưng Ban Chỉ đạo thống nhất lựa chọn điều hành lạm phát năm 2020 từ 3,59% đến 3,91%.

“Mặc dù sức ép lên lạm phát còn nhiều, nhất là sức ép từ giá thịt lợn sẽ đẩy lạm phát trong quý I tăng cao trên 4% nhưng Ban Chỉ đạo nhận thấy hoàn toàn có khả thi khi để lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội trên nguyên tắc tuân thủ yêu cầu của thị trường, cung – cầu hàng hóa” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý IV/2020; điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung cho nền kinh tế, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá tất cả các loại hàng chứ không riêng gì thực phẩm. Riêng đối với thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Không để thiếu thịt lợn. Nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay”.

Theo Minh Anh/Kinh tế & đô thị

Xem bài gốc