QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lãnh đạo châu Âu “sục sôi” sau tuyên bố từ chức của bà Theresa May

Lãnh đạo trên khắp châu Âu sục sôi khi Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 7/6.

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố từ chức trong bối cảnh tiến trình Brexit đang gặp bế tắc, các nhà lập pháp bất đồng quan điểm gay gắt. Phía EU cho rằng phần lớn trách nhiệm thuộc về bà May.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và bà Theresa May có mối quan hệ tốt đẹp. Ảnh: EPA.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ca ngợi mối quan hệ với bà Theresa May: “Tôi luôn hợp tác rất tốt với Thủ tướng Anh”. Bà Merkel khẳng định, quan hệ giữa Đức và Anh trong tương lai sẽ không bị ảnh hưởng bất chấp những biến cố. “Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu là một bước chuyển lớn và bất kể điều gì xảy ra ở Anh, chính phủ Đức sẽ làm mọi cách để giữ gìn sự hợp tác tốt đẹp giữa hai nước” – bà Angela Merkel  cho biết thêm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Anh cần nhanh chóng làm rõ các kỳ vọng từ Brexit. Trong một tuyên bố do Điện Elysee đưa ra, ông Macron cho biết sẵn sàng hợp tác với một Thủ tướng mới của Anh, nhưng nguyên tắc và hoạt động của Liên minh Châu Âu (EU) vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu.

Thủ tướng Leo Varadkar bày tỏ lo ngại trước tiến trình Brexit. Ảnh: EPA

Ireland là đất nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu Anh “ly dị” EU mà không có thoả thuận. Trước tình hình trên, Thủ tướng Leo Varadkar tỏ ra lo ngại, cuộc bầu cử Thủ tướng mới sắp diễn ra ở Anh sẽ dẫn đến một giai đoạn mới trong tiến trình Brexit, gây bất lợi cho Ireland. Ông Varadkar chia sẻ với kênh truyền hình Virgin Media: “Không có gì chắc chắn kể cả khi Anh có Thủ tướng mới. Nhưng dù xảy ra bất cứ điều gì, Ireland vẫn sẽ giữ vững tinh thần và xây dựng mối quan hệ tốt với khắp các nước EU.”

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ lòng tôn trọng với người đồng cấp Anh. Ảnh: AP

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng, ông đã kết nối với bà May ngay sau tuyên bố từ chức để gửi lời cảm kích và tôn trọng trước những nỗ lực của bà, tuy nhiên không hài lòng với nền chính trị rối ren của Anh. Bên cạnh đó, ông Rutte cho rằng “thỏa thuận giữa EU và Anh về Brexit có trật tự vẫn đang trên bàn đàm phán”.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis cho biết, sẽ “tốt cho tất cả” nếu người Anh có cơ hội tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, song song với cuộc bầu cử Tổng thống mới. Ông Babis bày tỏ: “Người Anh sau cùng sẽ nhận ra rằng các thông tin họ nắm được về Brexit là không đúng sự thật, Anh ở lại EU mới là phương án tốt hơn cả.”

Phát ngôn viên của Chính phủ Tây Ban Nha Isabel Celaa đưa ra cảnh báo rằng, việc bà May từ chức cũng không giúp tiến trình Brexit dễ dàng hơn. Bà cho rằng, Chính phủ Anh và Quốc hội Anh có thể sẽ phải chịu các hậu quả từ việc rời khỏi EU mà không đạt thoả thuận nào.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cho biết Chủ tịch Jean-Claude Juncker sẽ “tôn trọng và thiết lập mối quan hệ công tâm” với tân Thủ tướng Anh cho dù người đó là ai. Juncker cũng ca ngợi May là “người phụ nữ can đảm”.

Nếu Quốc hội và Chính phủ Anh không đưa ra được thống nhất, nước này sẽ phải rời EU mà không có thoả thuận nào vào ngày 31/10. Điều này có thể sẽ đẩy xã hội và nền kinh tế Anh vào khủng hoảng chưa từng có.

Theo Diệu Anh/Kinh tế môi trường