QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Loại trừ Vinhomes, tổng lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp BĐS niêm yết tăng chưa đầy 7%

Nếu không tính Vinhomes, lợi nhuận ròng quý III/2019 của 87 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết còn lại ở mức khiêm tốn 5.683 tỷ đồng, chỉ tăng 6,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất kể từ quý III/2017.

Loại trừ Vinhomes, tổng lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp BĐS niêm yết tăng chưa đầy 7% (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của nền tảng dữ liệu tài chính FiinPro, tính đến hết ngày 7/11/2019, có 88/114 doanh nghiệp bất động sản (BĐS), chiếm 99,6% vốn hóa toàn ngành BĐS trên 3 sàn, đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019, với tổng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng tăng lần lượt 38,7% và 21,54% so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần 79.980 tỷ đồng và 11.153 tỷ đồng.

Trong quý này, Vinhomes vẫn duy trì vị trí đầu ngành BĐS với lợi nhuận ròng tăng 42,2%, đạt 5.470 tỷ đồng, chiếm 49% tổng lợi nhuận ròng của ngành.

Nếu không tính Vinhomes, lợi nhuận ròng của 87 doanh nghiệp BĐS niêm yết còn lại ở mức khiêm tốn 5.683 tỷ đồng, chỉ tăng 6,64%. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất kể từ quý III/2017.

“Tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp BĐS giảm tốc là do nhiều dự án BĐS bị tạm dừng vì vấn đề pháp lý trong khi các dự án mới đang bị hạn chế cấp phép. Do lo ngại thị trường BĐS tăng trưởng quá nóng, kể từ cuối năm 2018, cơ quan quản lý đã tiến hành rà soát các dự án BĐS đã cấp phép đồng thời siết chặt việc cấp phép các dự án mới”, phía FiinPro nhận định.

Đi sâu hơn, nhóm BĐS dân cư tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng chung của ngành.

Hiện có 73 doanh nghiệp BĐS dân cư đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó 54 doanh nghiệp (chiếm 99,7% vốn hóa của nhóm này) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019.

Lợi nhuận ròng quý III của 54 doanh nghiệp này tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8.718 tỷ đồng, đóng góp 78,2% tổng lợi nhuận ròng của ngành BĐS. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) tăng 36,8%; trong khi lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) tăng mạnh 46,9%.

Nếu loại trừ Vinhomes, lợi nhuận ròng của nhóm này lại giảm 1,06%, chỉ còn hơn 3.247 tỷ đồng, trong khi trước đó chứng kiến mức tăng ấn tượng 69,2% trong quý II và 39,2% trong quý I.

Ngược lại, EBITDA và EBIT phục hồi, lần lượt tăng 8,6% và 12,3%, sau khi giảm liên tiếp trong hai quý trước đó.

Thống kê của FiinPro cũng cho hay, dư nợ vay ngân hàng và dư nợ phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp BĐS dân cư tại thời điểm cuối quý III/2019 đã giảm lần lượt 14,17% và 22,36% so với cuối quý II/2019. Nhờ đó, hệ số đòn bẩy tài chính cũng giảm xuống mức 0,52, mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.

Tại thời điểm ngày 30/9/2019, nhóm doanh nghiệp BĐS dân cư có hơn 97.000 tỷ đồng người mua trả tiền trước hiện ngắn hạn, tăng 20,8% so với cuối quý II/2019 và 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Khoản mục này chiếm tỷ trọng 12% trong tổng nguồn vốn – mức cao nhất kể từ quý IV/2018, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức 13,7% cùng kỳ.

“Tỷ trọng này càng lớn cho thấy doanh nghiệp bán được hàng tốt, chỉ đợi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình là bàn giao sản phẩm thì khoản mục này sẽ chuyển thành doanh thu bán hàng”, phía FiinPro phân tích thêm.

Theo Thanh Long/VietnamFinance

Xem bài gốc