QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Xu hướng giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tiếp tục lan rộng trên thế giới, sau khi thể hiện từ đầu năm 2019. Tại Việt Nam, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh sau một tuần đầy biến động.
Ảnh minh hoạ

Khoảng 19 ngân hàng trung ương giảm lãi suất từ đầu tháng 8

Theo thông tin từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính từ đầu tháng 8/2019 đã có khoảng 19 ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất cơ bản.

Trong số đó có 3 ngân hàng trung ương thuộc các nước Đông Nam Á là Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Bên cạnh đó, nhà điều hành chính sách tiền tệ tại Úc và New Zealand cũng để ngỏ khả năng tiếp tục giảm lãi suất về mức 0% sau hai lần giảm lãi suất từ đầu năm 2019.

Cập nhật mới nhất, ngày 30/8, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng đã đánh đi tín hiệu về khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay để ngăn chặn đà sụt giảm sâu tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Trước thềm và được xem là một trong những cú hích cắt giảm lãi suất của loạt ngân hàng trung ương nói trên, ngày 31/7/2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008. Giới quan sát và thị trường kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục có các đợt cắt giảm nữa trong năm nay.

Tại Việt Nam, lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành là vào 10/7/2017, với bước giảm 0,25 điểm phần trăm ở lãi suất tái chiết khấu (xuống 4,25%/năm), lãi suất tái cấp vốn (xuống 6,25%/năm)… Và lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) giảm nhẹ từ 5%/năm xuống 4,75%/năm áp dụng từ giữa tháng 1/2018 đến nay.

Dù các lãi suất điều hành không giảm từ đó đến nay, nhưng từ đầu tháng 8 vừa qua, bốn ngân hàng thương mại lớn (Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank) cùng một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn (như Techcombank, VPBank, ACB) cùng tuyên bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 0,5%/năm so với trước trong các lĩnh vực ưu tiên.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nhóm thành viên giảm lãi suất cho vay nói trên chiếm khoảng 57% thị phần tín dụng cho nền kinh tế.

Như trên, loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn tại Việt Nam, qua phiên họp giữa tuần này, Thường trực Chính phủ nhận định nhiều khả năng năm nay vẫn hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP.

Lãi suất VND liên ngân hàng “hạ nhiệt” nhanh

Trong phiên giao dịch hôm qua (29/8), lãi suất VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bình ổn trở lại, sau tròn một tuần tăng đột biến, nhưng vẫn ở mức khá cao.

Cụ thể, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND phiên 29/8 tiếp tục giảm mạnh 0,17 – 0,58 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; giao dịch qua đêm tại 3,99%/năm, 1 tuần 4,19%, 2 tuần 4,26% và 1 tháng 4,33%.

Trong khi đó, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng trở lại 0,01 – 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại qua đêm 2,29%/năm, 1 tuần 2,39%, 2 tuần 2,48%, 1 tháng 2,59%.

Như vậy lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã có hai phiên điều chỉnh liên tiếp, sau khi liên tục tăng mạnh từ giữa tuần trước và mức bình quân lãi suất qua đêm vượt tới trên 5%/năm trong ngày 27/8.

Cùng với diễn biến “hạ nhiệt” nhanh và mạnh của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, thị trường cũng ghi nhận giao dịch trên kênh cầm cố của thị trường mở (OMO) đã trống trở lại trong ngày 29/8, khi không còn thành viên nào mượn vốn, dù Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Khối lượng lưu hành trên kênh này duy trì ở mức 4.533 tỷ đồng.

Đến 29/8, thị trường cũng ghi nhận hơn một tuần Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu để hút bớt tiền về như hoạt động kéo dài và liền mạch nhiều tháng vừa qua.

Theo Hoài Sơn/Thời báo chứng khoán