QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lợi nhuận “bé hạt tiêu”, cổ phiếu Chứng khoán Phú Hưng tăng mạnh 33%

Sau 5 năm huỷ niêm yết, cổ phiếu PHS quay lại sàn UpCoM với giá 11.300 đồng/CP và lập tức tăng mạnh 33% chỉ sau 2 phiên giao dịch. Lợi nhuận sau thuế năm nay dự kiến tăng gấp 3 lần đạt 53,5 tỉ đồng.    

70 triệu cổ phiếu PHS quay trở lại giao dịch UpCom

Ngày 31/7/2019, 70 triệu cổ phiếu PHS của CTCP Chứng khoán Phú Hưng chính thức lên giao dịch tại UPCoM và là công ty chứng khoán thứ 9 giao dịch cổ phiếu trên thị trường này.

Giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu PHS là 11.300 đồng/CP và nhanh chóng tăng mạnh lên 15.800 đồng/CP. Nhưng khối lượng giao dịch rất thấp, chỉ có 4.800 cổ phiếu khớp lệnh trong phiên. Đến phiên sáng nay 1/8, giá cổ phiếu PHS giao dịch ở mức 15.000 đồng/CP, thanh khoản nhỏ giọt.

Trước đó, năm 2010 CTCP Chứng khoán Phú Hưng đã niêm yết trên HNX và đến năm 2014, công ty đã hủy niêm yết tự nguyện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2013 số 03/2013/NQ-ĐHĐCĐ ngày 20/12/2013. Đến nay, PHS quay trở lại giao dịch UpCoM với diện mạo thương hiệu mới và kế hoạch kinh doanh khởi sắc hơn.

Mức vốn điều lệ cũng tăng thêm 353 tỉ đồng so với thời điểm huỷ niêm yết chỉ có vốn 347 tỉ đồng, tương ứng 34,7 triệu cổ phiếu.

Hoạt động kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp là nguyên nhân chính khiến PHS phải rời sàn HNX theo quy định. Cụ thể, năm 2011 – 2012 Chứng khoán Phú Hưng ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 47,4 tỉ đồng và 101,5 tỉ đồng. Năm 2013, công ty báo lỗ 21,9 tỉ đồng và buộc phải huỷ niêm yết. Do thị trường chứng khoán giai đoạn này vẫn ảm đạm, khiến cho hoạt động kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán nhỏ như PHS gặp khó khăn, thua lỗ kéo dài. Giá cổ phiếu PHS trên sàn đã giảm rất mạnh và trước thời điểm huỷ niêm yết, PHS chỉ giao dịch hơn 2.000 đồng/CP.  

Đến năm 2017, PHS mới khắc phục được thua lỗ và lần đầu tiên báo lãi trở lại với 17,3 tỉ đồng lãi sau thuế trong năm 2018 ngay trước thời điểm lên UpCom. Vốn chủ sở hữu được cải thiện tăng lên mức 746 tỉ đồng và tổng tài sản đạt 1.512 tỉ đồng.

Đến hết quý 1/2019, PHS ghi nhận lãi sau thuế 15,2 tỉ đồng, nhưng tổng tài sản lại bị sụt giảm mạnh xuống còn 1.431 tỉ đồng.

Chứng khoán Phú Hưng cho biết giá trị sổ sách của cổ phiếu PHS hiện là 10.873 tỉ đồng/CP.

Với vốn điều lệ 700 tỉ đồng giữ nguyên như hiện tại, năm 2019, Chứng khoán Phú Hưng đặt mục tiêu doanh thu đạt 243,9 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 53,5 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so với kết quả của năm 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ tức của năm nay chưa được công ty đề cập tới.

Được biết, CTCP Chứng khoán Phú Hưng có tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Lạc được thành lập từ năm 2006. Ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp các dịch vụ tài chính và đầu tư chuyên nghiệp cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, các quỹ và ngân hàng đầu tư trong nước và nước ngoài, môi giới đầu tư chứng khoán, tư vấn đầu tư tài chính, lưu ký chứng khoán, tự doanh chứng khoán.

Theo Hải Hà/Môi trường và Đô thị