QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm dự báo tăng 38-39%

Theo báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam cuối năm 2022, Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra quan điểm tích cực với ngành ngân hàng.

Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm dự báo tăng 38-39%
(Ảnh minh họa)

SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng  trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%.

Bên cạnh đó, rủi ro từ nợ tái cấu trúc do COVID-19 có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn. Chuyên gia cho rằng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể vẫn được kiểm soát trong 6 tháng cuối năm 2022, mặc dù tỷ lệ hình thành nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm do các khoản vay tái cơ cấu hết thời hạn cơ cấu.

Các ngân hàng lớn đã chuẩn bị cho tình huống này với bộ đệm rủi ro tín dụng tương đối vững chắc như Vietcombank, BIDV, ACB, MB và Techcombank. Công ty chứng khoán cũng nhận thấy dấu hiệu phục hồi ở các nhóm ngành khác nhau (không tính đến lĩnh vực bất động sản).

Trong số các công ty niêm yết (không bao gồm lĩnh vực bất động sản), dư nợ của những công ty có tỷ lệ EBITDA/Chi phí lãi vay nhỏ hơn 1 trên tổng dư nợ của những công ty này đã có xu hướng thấp hơn đáng kể từ mức đỉnh năm 2020.

Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023.

Theo ước tính của SSI, một phần tư tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023.

Nguồn: SSI

Cũng theo báo cáo, trong 6 tháng cuối năm 2022, các yếu tố rủi ro đến từ bên ngoài vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước, bao gồm diễn biến lạm phát tại Mỹ, việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (và các NHTW trên thế giới) cũng như khả năng suy thoái tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới. Các rủi ro này có thể làm tăng trưởng xuất khẩu giảm, từ đó gây áp lực lên tiền Đồng trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu đi do lạm phát gia tăng.

Trong khi số liệu kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng vẫn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao (trên mức nền thấp của năm 2021), thì diễn biến vĩ mô năm 2023 có thể có nhiều khó khăn hơn.

Trong nửa đầu năm 2023, nhiều khả năng chỉ số CPI sẽ bật tăng cao vượt mức mục tiêu 4%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm dần lại. Áp lực tăng giá đối với nhiều nhóm hàng hóa/dịch vụ vốn thuộc nhóm Nhà nước quản lý về giá (như điện, nước, giáo dục, y tế…) là khó có thể tránh khỏi. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện tại đang là kiểm soát lạm phát, sau đó là tăng trưởng khi rủi ro lạm phát giảm dần.

Bên cạnh áp lực lạm phát, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ là tâm điểm chú ý trong nửa cuối năm 2022, do mục tiêu điều hành của NHNN là sự cân bằng giữa tốc độ tăng lãi suất và chính sách tăng trưởng tín dụng.

SSI Research kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, đưa lãi suất VND ở mức hợp lý so với lãi suất USD. VND có thể sẽ mất giá 2,2% vào cuối năm 2022. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể sẽ thận trọng hơn trong việc nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nửa cuối năm nay.

SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của năm 2022 có thể dao động trong khoảng 15% -16%, giảm tốc so với mức 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo Thu Tủy/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/loi-nhuan-ngan-hang-6-thang-cuoi-nam-du-bao-tang-38-39-142901.html