QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lợi nhuận quý I của PVS tăng gấp rưỡi nhờ giảm chi phí nhân viên, thanh lý tài sản cố định

Trong khi hoạt động cơ khí, đóng mới và xây lắp không mấy khả quan, hoạt động cung cấp dịch vụ thượng nguồn như cung ứng kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô… của PVS lại phát đi tín hiệu tích cực. Cùng với đó việc giảm tải chi phí nhân viên, thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cũng giúp lợi nhuận quý I tăng trưởng rõ rệt.

Lợi nhuận quý I của PVS tăng gấp rưỡi nhờ giảm chi phí nhân viên, thanh lý tài sản cố định
Lợi nhuận quý I của PVS tăng gấp rưỡi nhờ giảm chi phí nhân viên, thanh lý tài sản cố định.

Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I, ghi nhận doanh thu 3.770 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, chi phí giá vốn trên doanh thu tăng khá mạnh, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 192,6 tỷ đồng, cao hơn 7,8% so với cùng kỳ.

Trong quý này, doanh thu hợp đồng xây dựng (dịch vụ cơ khi, đóng mới và xây lắp) đạt 2.046 tỷ đồng, tăng gần 70% so với quý I/2021, đóng góp 54% tổng doanh thu hợp nhất; theo sau là doanh thu cung cấp dịch vụ (dịch vụ cung ứng kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô, dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí, dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng) với 1.712 tỷ đồng, tăng 22,5%. 

Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng doanh thu, song giá vốn từ các hợp đồng xây dựng lên tới 2.008 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc chỉ đem lại chưa đầy 38 tỷ đồng lợi nhuận gộp, hiệu quả rất thấp so với mảng cung cấp dịch vụ.

Hoạt động tài chính mang về 85,9 tỷ đồng doanh thu cho PVS, tăng 14% cùng kỳ, trong đó 47 tỷ đồng là lãi tiền gửi, tiền cho vay và 38,8 tỷ đồng là lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng biến động không quá lớn với 21 tỷ đồng và 15 tỷ đồng; điểm sáng nằm ở chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 40 tỷ đồng xuống còn 150 tỷ đồng, nhờ giảm chi phí nhân viên và các khoản dự phòng đã phát sinh trong quý I/2021.

Bên cạnh đó, PVS có thêm nguồn thu 162 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết (tăng 3,6% cùng kỳ) và 57,7 tỷ đồng (tăng 36%) thu nhập chủ yếu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.

Đây là các động lực giúp doanh nghiệp báo lãi trước thuế hơn 311 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 216 tỷ đồng, lần lượt tăng 52,8% và 50% cùng kỳ.

Được biết năm nay, PVS đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 488 tỷ đồng, giảm lần lượt 30% và 28% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành 37% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Phía PVS cho biết chủ yếu lợi nhuận trong quý I tăng trưởng là nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh của dịch vụ cung ứng kho chứa và xử lý dầu thô FSO/FPSO, dịch vụ căn cứ cảng hiệu quả hơn, bên cạnh đấy là giảm tải chi phí quản lý doanh nghiệp…

Tính đến hết quý I, tổng tài sản của PVS tăng 1,8% so với thời điểm đầu năm, lên mức 24.645 tỷ đồng, trong đó có 1466 tỷ đồng là hàng tồn kho. Nợ phải trải trả tăng 2,6% lên mức 11.865 tỷ đồng, bao gồm 722 tỷ vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn.

Theo Ánh Dương/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/loi-nhuan-quy-i-cua-pvs-tang-gap-ruoi-nho-giam-chi-phi-nhan-vien-thanh-ly-tai-san-co-dinh-20180504224268352.htm