QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lothamilk muốn bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ tại Sữa Quốc tế

Công ty Cổ phần Lothamilk đăng ký bán toàn bộ 6 triệu cổ phiếu IDP của Sữa Quốc tế, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,18%.

Cụ thể, Lothamilk đăng ký bán toàn bộ 6 triệu cổ phiếu IDP của Công ty cổ phần Sữa Quốc tế, tương đương tỷ lệ sở hữu 10,18% nhằm cân đối tài chính hoạt động của công ty năm 2021. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/3 – 27/4.

Cổ phiếu IDP chính thức giao dịch UPCOM từ ngày 7/1 với giá tham chiếu 50.000 đồng/cp. Sau khi chào sàn, có thời điểm giá mã này đã tăng lên tới 70.000 đồng/cp. Tuy nhiên, hiện giá cổ phiếu IDP đã giảm xuống và đứng giá tham chiếu 50.600 đồng/cp trong nhiều phiên giao dịch gần đây.

Tính theo giá thị trường, lô cổ phiếu IDP thuộc sở hữu Lothamilk có giá trị hơn 303 tỷ đồng.

lothamilk muon ban toan bo co phieu nam giu tai sua quoc te
Biến động giá cổ phiếu IDP từ khi giao dịch trên UPCOM. (Nguồn: vndirect)

Lothamilk là tổ chức liên quan tới ba lãnh đạo của Sữa Quốc tế là bà Chu Hải Yến – Phó tổng Giám đốc, ông Hồ Sĩ Tuấn Phát – Ủy viên HĐQT và bà Trương Ngọc Hoài Phương – Thành viên Ban Kiểm sát. Cả ba cá nhân này đều không sở hữu cổ phiếu IDP nào.

Sữa IDP có cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Bốn cổ đông sở hữu 90,74% vốn điều lệ. Ba tổ chức nắm giữ 85,74% vốn điều lệ của công ty gồm CTCP Blue Point (sở hữu 60,56%), Chứng khoán Bản Việt (15%) và CTCP Lothamilk (10,18%). Ngoài ra, 117 nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 12,77% vốn điều lệ, trong đó cổ đông Đặng Phạm Minh Loan nắm giữ 5%.

Theo tài liệu trong Đại hội cổ đông bất thường diễn ra ngày 3/7/2020, HĐQT công ty đã thông qua việc CTCP Blue Point được mua đến 90% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty mà không cần chào mua công khai.

Về kết quả kinh doanh của Sữa Quốc tế, năm 2020, IDP đạt 3.836 tỷ đồng doanh thu thuần, 505 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 106% và 347% so với năm 2019. Công ty sở hữu hai thương hiệu sữa là Ba Vì và Love’in Farm với sản phẩm LiF và Kun.

Năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.850 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng. Như vậy, Sữa Quốc tế gần hoàn thành kế hoạch doanh thu còn chỉ tiêu lợi nhuận đã vượt mục tiêu đề ra.

Trước đó, Sữa Quốc tế liên tục thua lỗ, cho tới năm 2019 lợi nhuận của Sữa Quốc tế bắt đầu dương trở lại, đạt 113 tỷ đồng. Không chỉ có lãi trở lại từ 2019 mà năm 2020, lợi nhuận của Sữa Quốc Tế còn tăng đột biến giúp khoản lỗ luỹ kế của công ty tại cuối năm thu hẹp còn hơn 74 tỷ đồng.

So với một ông lớn cùng ngành khác là CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) thì lợi nhuận của Sữa Quốc tế cao hơn gần 1,7 lần con số lãi 298 tỷ đồng của Mộc Châu Milk.

Biên lợi nhuận gộp cả năm 2020 của Sữa Quốc tế là 41%, cao hơn nhiều so với con số hơn 31% của Mộc Châu Milk.

Tại ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của Sữa Quốc tế đạt 2.155 tỷ đồng, tăng 86% so với con số đầu năm.

Tại thời điểm cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của Sữa Quốc tế âm gần 41 tỷ đồng nhưng nhờ khoản lãi hơn nửa nghìn tỷ của năm 2020 và khoản thặng dư vốn cổ phần 275 tỷ đồng giúp vốn chủ sở hữu của công ty hết năm 2020 đạt gần 796 tỷ đồng.

Tổng nợ đi vay của Sữa Quốc tế tại ngày 31/12/2020 là 477 tỷ đồng, giảm 31% so với đầu năm và đa số là nợ ngắn hạn.

Theo Phương Thảo/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/lothamilk-muon-ban-toan-bo-co-phieu-nam-giu-tai-sua-quoc-te-90593.html