QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Lùm xùm BOT Yên Lệnh

Đề nghị BOT Yên Lệnh rút ngắn thời gian thu phí

Từ ngày 17/2/2018, Dự án BOT Quốc lộ 38, đoạn Yên Lệnh – Vực Vòng (gọi tắt là BOT Yên Lệnh) đã đồng ý giảm phí cho tất cả các xe qua trạm. Tuy nhiên, theo Kiểm toán nhà nước, dự án BOT trên còn mắc nhiều sai phạm cần làm rõ.

Chấp nhận giảm phí

Theo thiết kế, Dự án BOT Yên Lệnh do liên danh Tổng công ty Xây dựng Thăng Long – Tổng công ty Xây dựng giao thông 4 là chủ đầu tư. Công trình nhằm xây dựng, cải tạo Quốc lộ 38, từ cầu Yên Lệnh (Hưng Yên) đến nút giao Vực Vòng (Hà Nam), có chiều dài toàn tuyến khoảng 12,4 km, trong đó, có đoạn trùng với tuyến cũ khoảng 4,2 km.

Sau 2 năm thi công, dự án đã chính thức được đưa vào sử dụng với mức thu phí thấp nhất là 35.000đ/xe tiêu chuẩn (trong đó phí cầu là 15.000đ, phí BOT 20.000đ). Tuy nhiên, chỉ với 8/10km cầu và đường xây mới, mức thu phí trên bị các tài xế “tố” là quá cao.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, với phương án tài chính ban đầu, Dự án BOT Yên Lệnh với tổng mức đầu tư khoảng 833 tỷ đồng, nhà đầu tư được thu phí trong vòng 15 năm 6 tháng, mức thu là 35.000 đồng/xe tiêu chuẩn.

Do có nhiều phản ánh về mức phí trên nên tháng 9/2017, Bộ GTVT đã yêu cầu Công ty TNHH BOT Yên Lệnh – đại diện nhà đầu tư phải giảm giá vé cho các xe qua trạm từ ngày 1/11/2017, đồng thời tính lại mức thời gian thu phí. Tuy nhiên, nhà đầu tư BOT chỉ đồng ý giảm phí cho người dân trong khu vực. Trước tình cảnh đó, đã có lúc trạm BOT trên đã phải đối mặt với “cuộc chiến tiền lẻ” của các tài xế.

Để đảm bảo hài hoà lợi ích cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp vận tải, lái xe, ngày 25/2, ông Hoàng Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH BOT Yên Lệnh cho biết: Từ ngày 17/2/2018, Công ty BOT đã đồng ý giảm phí cho tất cả các xe qua trạm từ 35.000 đồng xuống còn 30.000 đồng, đồng thời, chúng tôi đang tiến hành lấy danh sách của người dân trong khu vực để tiếp tục miễn, giảm phí cho họ, để tạo sự đồng thuận từ người dân.

“Bên cạnh việc giảm phí, chúng tôi đang trao đổi với đơn vị cho vay vốn (ngân hàng ACB), cùng các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan để thống nhất lại phương án tài chính và thời gian thu phí”, ông Hải nói.

Còn vướng nhiều sai phạm

Dù đã có sự thay đổi cầu thị, tuy nhiên, Dự án BOT Yên Lệnh vẫn còn vướng nhiều sai sót cần làm rõ.

Cụ thể, văn bản số 616/TB- KTNN của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đánh giá: “Mặc dù có quy mô đầu tư không lớn nhưng các bên liên quan đến Dự án BOT Quốc lộ 38, đoạn Yên Lệnh – Vực Vòng lại vấp khá nhiều sai sót, đặc biệt là nhà đầu tư và đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ban Quản lý Dự án 6 – PMU6, Bộ GTVT)”.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đầu tư xây mới 8/10,2 km là chưa hoàn toàn phù hợp với ý kiến cải tạo, nâng cấp của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, trong quá trình thi công, Công ty TNHH BOT Yên Lệnh bị Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ một số sai sót như: nhà đầu tư đã tự ý phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu có giá gói thầu khoảng 28 tỷ đồng nằm ngoài nội dung và quy mô đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3296.

Công ty TNHH BOT Yên Lệnh ký kết hợp đồng với các đơn vị thực hiện các gói thầu tư vấn, đơn vị thi công của nhà đầu tư thực hiện các gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, các bên không tiến hành thương thảo hợp đồng gói thầu xây lắp số 1, 2 trước khi ký hợp đồng theo đúng trình tự quy định tại Điều 19, Nghị định số 63/2014/NĐ- CP ngày 26/6/2014 về quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu.

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính tại Dự án BOT Yên Lệnh là 44,27 tỷ đồng, gồm: Thu hồi hoàn trả nhà đầu tư (2,287 tỷ đồng); Giảm số phải trả (17,688 tỷ đồng); Xử lý tài chính khác (24,3 tỷ đồng).

Đánh chú ý, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc doanh nghiệp dự án giải ngân toàn bộ khối lượng hoàn thành bằng vốn chủ sở hữu đã góp 123,3/554,8 tỷ đồng, sau đó mới giải ngân đến vốn vay là không phù hợp với quy định tại phụ lục hợp đồng, dẫn đến cơ cấu nguồn vốn Dự án bị thay đổi so với tổng mức đầu tư ban đầu từ 15% lên 22%.

“Điều này dẫn đến chi phí lợi nhuận phải trả cho nhà đầu tư (11,5%/năm) cao hơn 2,5%/năm so với chi phí lãi vay trong quá trình khai thác (9%/năm) với tổng số tiền là 7,4 tỷ đồng”, Thông báo số 616/TB – KTNN do Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa ký nêu rõ.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT Quốc lộ 38, đoạn Yên Lệnh – Vực Vòng là dự án có thời gian hoàn vốn bị giảm trừ trong quá trình rà soát của Bộ GTVT và Kiểm toán Nhà nước rất sâu.

“Trên cơ sở đó, đề nghị Bộ GTVT thương thảo với nhà đầu tư để điều chỉnh giảm giá vé hoặc giảm thời gian thu giá từ 15 năm, 6 tháng (theo phụ lục hợp đồng là 10 năm, 3 tháng, 8 ngày) xuống còn 7 năm, 5 tháng, 14 ngày”, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.

Theo Đinh Tịnh/VietnamFinance