QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mải tranh ghế quyền lực, lợi nhuận Eximbank “bốc hơi” 37% trong quý 1

Quý 1/2019 đã ghi nhận sự tăng trưởng tín dụng âm, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của Eximbank sụt giảm 52% chỉ đạt 343 tỷ đồng. Nợ xấu lớn, chi phí tăng cao cùng với bất ổn bộ máy lãnh đạo chủ chốt… khiến kết quả kinh doanh sa sút nghiêm trọng.

Hoạt động kinh doanh của Eximbank tiếp tục sa sút trong quý 1/2019 khi tín dụng tăng âm, lợi nhuận gộp giảm 52%

Lợi nhuận quý 1 giảm 52%

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (mã: EIB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất nhất quý I/2019 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh sa sút đáng ngại.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của Eximbank đạt 150.715 tỷ đồng, giảm 1,3% so với đầu năm. Trong đó, huy động tiền gửi khách hàng tăng 2,8% đạt 122.019 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,9% xuống mức 99.944 tỷ đồng. Trong nhiều quý liên tục, Eximbank vẫn chưa cải thiện được tình trạng tín dụng tăng thấp hoặc âm, ảnh hưởng đáng kể tới thu nhập hoạt động.

Trong quý 1, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 24,2% lên 829 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ tăng thêm 1 tỷ đồng lên mức 79,4 tỷ đồng.

Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối sụt giảm tới 60% so với cùng kỳ quý 1/2018, chỉ đạt 23,2 tỷ đồng. Mảng mua bán chứng khoán đầu tư lãi 46,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 24,5 tỷ đồng.

Hoạt động khác đem về khoản lãi thuần 37,5 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 46,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Quý đầu năm, Eximbank phải tăng chi phí hoạt động thêm 38 tỷ đồng, lên tới 674 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro đạt 343 tỷ đồng, giảm 51,8% so với quý 1/2018.

Mặc dù quý này ngân hàng được hoàn nhập gần 7 tỷ chi phí dự phòng, nhưng vẫn phải trích lập dự phòng tới 152 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận trước thuế đạt 350 tỷ đồng và sau thuế lãi 280 tỷ đồng, giảm 37% so với năm trước.

Theo báo cáo, lợi nhuận trong quý I/2019 của Eximbank sụt giảm mạnh chủ yếu đến từ chênh lệch ở khoản mục thu nhập góp vốn mua cổ phần chỉ có 1,5 tỷ đồng. Trong khi vào quý 1/2018, ngân hàng có khoản thu đột biến hơn 500 tỷ đồng từ việc thoái sạch vốn khỏi Sacombank.

Đáng chú ý, đến hết tháng 3 năm nay, nợ xấu của Eximbank giảm được 25 tỷ đồng, xuống còn 1.895 tỷ đồng nợ xấu. Mặc dù tổng dư nợ cho vay sụt giảm nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng vẫn tăng từ mức 1,85% lên 1,88%.

Ngoài nợ xấu nội bảng, Eximbank hiện vẫn còn khoảng 5.462 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, ghi nhận bằng trái phiếu đặc biệt và ngân hàng đã trích lập dự phòng 2.129 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho lợi nhuận liên tục ghi nhận ở mức thấp.

Eximbank đang “ngụp lặn” trong khối nợ xấu và trái phiếu VAMC hơn 7.357 tỷ đồng

Tranh chấp ghế Chủ tịch HĐQT

Kết quả kinh doanh quý 1 sa sút được công bố sau khi xảy ra tranh chấp quyền lực giữa hai lãnh đạo chủ chốt của HĐQT Eximbank vào tháng 3 vừa qua. Ngày 22/3, Eximbank bất ngờ công bố quyết định 112 của HĐQT bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT giữ vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc bị bãi nhiệm.

Tuy nhiên ngay lập tức, ông Lê Minh Quốc đã phản ứng, cho rằng quyết định trên không có tính pháp lý và gửi đơn lên toà án. Đồng thời, ông Quốc đã tiết lộ những diễn biến bất thường trong hoạt động điều hành tại Eximbank, trong đó có một nhóm thành viên HĐQT luôn gây khó khăn cho ông trong công tác điều hành.

Eximbank đáp trả khi phát đi thông cáo phủ nhận cáo buộc của ông Quốc và khẳng định, việc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22/3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và theo điều lệ Eximbank.

Tuy nhiên, ngày 27/3 Toà án nhân dân TP HCM có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112 bổ nhiệm và bãi nhiệm nhân sự Chủ tịch HĐQT. Phía Eximbank tiếp tục khẳng định cáo buộc là vô căn cứ và đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Cuộc chiến giành quyền lực giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank vẫn chưa chấm dứt, và ĐHCĐ thường niên ngày 26/4/2019 vừa qua của Eximbank cũng không thể tiến hành do không đạt tỷ lệ cổ đông tham dự tối thiểu 65%.

Giao dịch “khủng” sang tay cổ phiếu EIB

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu EIB xuất hiện những giao dịch bất thường kể từ cuối năm 2018 đến nay. Đáng chú ý vào đầu tháng 4, có phiên giao dịch đột biến lên tới 40-60 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị gần nghìn tỷ đồng. Trong tháng 4, có tổng cộng 211 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch sang tay, bằng hơn 17% vốn điều lệ ngân hàng.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 440 triệu cổ phiếu (chiếm 35,77%) Eximbank giao dịch thành công trên sàn, trong khi con số cả năm 2018 là 655 triệu đơn vị, năm 2017 chỉ có 327 triệu đơn vị.

Giá cổ phiếu EIB đã tăng 22% so với đầu năm 2019, đang giao dịch ở mức 17.150 đồng/cổ phiếu và liên tục trồi sụt theo diễn biến “nóng” từ cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông.

Giới đầu tư cũng đang rỉ tai về những giao dịch cổ phiếu “khủng” trị giá nghìn tỷ có thể liên quan tới kế hoạch thâu tóm Eximbank từ nhiều nhóm cổ đông lạ mà quen, sắp lộ diện khi cận kề cuộc họp ĐHCĐ thường niên tổ chức lại lần 2 sắp tới đây.

Còn nhớ, hồi tháng 8/2018, bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam ABank đã mua vào 13,8 triệu cổ phiếu EIB, chiếm 1,12% cổ phần. Trước khi sang Eximbank, bà Tú từng làm điều hành tại Nam A Bank và cũng từ làm việc tại Sacombank. Do đó, bà Tú thực sự là đại diện cho nhóm cổ đông Nam A Bank, Tập đoàn Hoàn Cầu hay Tập đoàn Thành Thành Công, “chủ cũ” của ngân hàng Sacombank… đến giờ vẫn là điều bí ẩn.

Cùng thời điểm, tại Nam A Bank cũng xảy ra “nội chiến” khi ông Nguyễn Chấn (96 tuổi), chồng bà Trần Thị Hường (bà Tư Hường đã mất năm 2017), là người sáng lập Nam A Bank và Tập đoàn Hoàn Cầu, tố cáo bị con trai chiếm đoạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong đó, có tranh chấp cổ phần sở hữu tại Nam A Bank của vợ chồng ông cùng nhiều tài sản giá trị lớn.

Hồi năm 2014, nhóm cổ đông Nam A Bank từng mua lại cổ phần Eximbank từ ông Trầm Bê song sau đó không đưa được đại diện vào HĐQT Eximbank. Đến năm 2016, bà Tú rút lui khỏi Nam A Bank và được bầu vào HĐQT Eximbank dấy lên đồn đoán kế hoạch thâu tóm nhà băng này được tái khởi động.

Chưa rõ, cuộc nội chiến gia đình Tập đoàn Hoàn Cầu và Nam A Bank sẽ đi đến đâu và kế hoạch thâu tóm Eximbank liệu có “đổi chiều” hay không?

Một thông tin được lan truyền gần đây là nhóm cổ đông Nam A Bank đang làm thủ tục chuyển nhượng 15% cổ phần Eximbank, thoái bớt sở hữu vốn.

Theo Hải Hà/Kinh tế môi trường