QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mảng sợi phục hồi mạnh mẽ, Vinatex (VGT) báo lãi ròng quý 3/2021 gấp nhiều lần cùng kỳ

Kết thúc quý 3/2021, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp Vinatex vẫn ghi nhận doanh thu và loại nhuận đồng loạt tăng mạnh.

Dây chuyền sản xuất tại một đơn vị thuộc Vinatex.

Cụ thể, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, Mã: VGT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 ghi nhận doanh thu 4.076 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 8,3% lên 12,6%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 87% lên 76 tỷ đồng nhưng các khoản chi phí đều tăng như chi phi tài chính tăng 13%, chi phí bán hàng tăng 26%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24,4%.

Kết quả, Vinatex ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 năm nay đạt 286 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Lợi nhuận ròng 187 tỷ đồng, gấp 2,7 lần quý 3/2020.

Theo giải trình của Vinatex, lợi nhuận quý 3/2021 tăng tốt phần lớn nhờ đóng góp từ mảng sợi. Sau giai đoạn 2019-2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại và dịch bệnh, thị trường sợi trong năm 2021 đã có sự phục hồi mạnh mẽ, các đơn vị sợi trong Tập đoàn có kết quả kinh doanh tốt.

Mặt khác, trong quý vừa qua, khi dịch bệnh bùng phát ở miền Nam, tình hình kinh doanh một số đơn vị may dù có diễn biến bất lợi nhưng hiện tại Vinatex đã kiểm soát tốt tình hình.

Luỹ kế 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần Vinatex đạt 11.112 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 872 tỷ đồng, tăng 113% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Năm 2021, Vinatex đặt kế hoạch đem về 17.365 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Tập đoàn đã thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu và vượt 35% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.

Tính đến cuối quý 3/2021, tổng tài sản của Vinatex là 19.389 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm. Hàng tồn kho ghi nhận hơn 2.523 tỷ đồng, tăng 3,2% so với con số hồi đầu năm, trong đó, nguyên liệu, vật liệu (giá gốc) ghi nhận tăng 46% lên gần 1.043 tỷ đồng.

Tiền và tương đương tiền là 769 tỷ đồng, tăng 63,7% so với đầu năm; khoản đầu tư nắm giữ đến này đáo hạn đạt 1.996 tỷ đồng, tăng 32%.

Nợ phải trả của Vinatex tính đến ngày 30/9/2021 là 10.483 tỷ đồng, tăng 5,3% và chiếm 54% tổng tài sản. Trong đó, vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn là 7.073 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm

Cuối kỳ, nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp 8.905,2 tỷ đồng gồm 1.221 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện giao dịch quanh mức 22.200 đồng (phiên 26/10), tăng hơn gấp đôi so với thời điểm đầu năm.

Diễn biến giá cổ phiếu VGT từ đầu năm tới nay.

Vinatex có Tổng Giám đốc mới

Liên quan đến nhân sự của Vinatex, Sáng 4/10 vừa qua, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) công bố quyết định bổ nhiệm ông Cao Hữu Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Vinatex nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ông Cao Hữu Hiếu đã có hơn 20 năm gắn bó với Vinatex, từ vị trí chuyên viên, phó trưởng ban, giám đốc điều hành, tới ngày 1/1/2020 ông Hiếu nắm giữ vị trí phó tổng giám đốc và hiện là tân tổng giám đốc Vinatex.

Nhiệm kỳ mới của tân tổng giám đốc Vinatex đứng trước nhiều thách thức các doanh nghiệp nước ta hiện nay, nhất là doanh nghiệp phía Nam, đang trải qua hơn 3 tháng hoàn toàn đình trệ sản xuất.

Ông Hiếu cho biết hiện Vinatex có trên 45.000 lao động, chiếm 30% lao động toàn Tập đoàn, phải nghỉ việc. Miền Bắc và miền Trung có khả quan hơn nhưng cũng chỉ đang huy động được 70 – 80% lao động vì các chính sách giãn cách không đồng bộ ở từng địa phương.

Việc bị hủy hợp đồng, mất khách hàng, mất lao động, cạn nguồn lực tài chính,… là câu chuyện đã và đang diễn ra ở các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, mạnh trong thời gian trước.

Ông cho biết năm 2022 là một năm khó dự đoán tình hình kinh tế, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và thị trường xuất khẩu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Do đó, công tác dự báo và hướng dẫn các đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch, kịch bản năm 2022 sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với các ban chức năng của Tập đoàn.

Đồng thời, đây cũng là thời điểm tập đoàn tập trung công tác chuyển đổi số, trước hết bắt đầu tại khối văn phòng ở các ban đầu tư và phát triển, ban tài chính kế toán, ban quản lý nguồn nhân lực.

Theo Thu Thủy/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/mang-soi-phuc-hoi-manh-me-vinatex-vgt-bao-lai-rong-quy-32021-gap-nhieu-lan-cung-ky-104420.html