QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Masan nói gì về khoản lỗ “khủng” hơn 25.200 tỷ đồng sau thâu tóm Vincommerce?

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 (đã kiểm toán) ghi nhận khoản thua lỗ tới 25.200 tỷ đồng sau khi Masan mua thêm 14,8% vốn chủ sở hữu của The CrownX- công ty thành viên đang sở hữu chuỗi Vincommerce.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 (đã kiểm toán) với lãi ròng 1.234 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2019. Dù phát sinh lãi nhưng doanh nghiệp lại bất ngờ có một khoản lỗ sau thuế chưa phân phối 25.200 tỷ đồng.

Giới đầu tư và các cổ đông đang hốt hoảng trước thông tin về khoản lỗ “khủng” lên tới hơn 25.200 tỷ đồng này. Báo cáo cho thấy, The CrownX đã đầu tư mua cổ phần Vincommerce – công ty con của Tập đoàn Vingroup để nắm sở hữu chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart và Vimart+ trong năm 2020. 

Do xuất hiện khoản lỗ này, vốn chủ sở hữu của Masan Group đã giảm hơn một nửa so với cuối năm 2019, từ 51.888 tỷ đồng xuống còn 25.030 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng nguồn vốn vẫn tăng lên 115.700 tỷ đồng do tăng vay nợ tài chính và trái phiếu, dẫn đến cấu trúc vốn bị mất cân đối khi tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,6 lần (so với con số 0,88 cuối năm 2019).

Masan bất ngờ ghi nhận khoản lỗ 25.200 tỷ đồng, làm giảm một nửa vốn chủ sở hữu.  

Theo thuyết minh trên Báo cáo tài chính, phần lỗ trên chủ yếu đến từ các giao dịch với cổ đông không kiểm soát trong CrownX. Trong tháng 6 và tháng 8/2020, Masan Group đã mua thêm 14,8% vốn chủ sở hữu của CrownX với tổng số tiền là 23.692 tỷ đồng. Sau khi mua lại, lợi ích kinh tế của Masan Group trong đơn vị này tăng từ 70% lên 84,8%.

Trong khi đó, giá trị ghi sổ tương ứng của phần tài sản thuần mua lại chỉ gần 1.672 tỷ đồng nên chênh lệch này được ghi nhận giảm 22.020 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Theo quy định của Thông tư 202, các khoản lãi/lỗ từ việc công ty mẹ mua bán cổ phần, thay đổi tỷ lệ sở hữu tại công ty con chỉ được ghi nhận vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo hợp nhất mà không được ghi nhận vào kết quả kinh doanh.

Vì vậy, việc ghi nhận giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2020 lên tới 25.200 tỷ đồng đã khiến lãi lũy kế và vốn chủ sở hữu của Masan giảm hơn một nửa so với thời điểm đầu năm 2020.

Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020 của Masan

Ngoài ra Masan Group còn ghi giảm 4.696 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối liên quan đến giao dịch mua thêm cổ phần của VCM khi tăng sở hữu từ 58,6% lên 80,1%. Năm qua, tập đoàn này còn thực hiện một loạt các giao dịch khác cũng ảnh hưởng hàng trăm tỷ đồng đến lợi nhuận chưa phân phối như giao dịch tăng sở hữu tại Masan MeatLife, tăng sở hữu tại công ty Hàng tiêu dùng Masan (MSC)…

The CrownX được thành lập nhằm phát triển và chuyển đổi hai mảng kinh doanh chủ chốt là Vincommerce (VCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) để trở thành nền tảng bán lẻ – tiêu dùng hàng đầu, cũng như xây dựng nền tảng “Point-of-Life” của Masan.Năm 2020, The CrownX đã trở thành doanh nghiệp tiêu dùng lớn thứ 2 tại Việt Nam xét về doanh thu khi cán mốc 54.277 tỷ đồng (xấp xỉ 2,5 tỷ USD), tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước trên cơ sở so sánh tương đương với biên EBITDA tăng 270 điểm cơ bản lên mức 8,2%. Năm 2021, CrownX đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 15 – 20%.

Theo Anh Phương/Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/kinh-te/masan-noi-gi-ve-khoan-lo-khung-hon-25-200-ty-dong-sau-thau-tom-vincommerce-489420