QC 1
Thứ 7, ngày 07/12/2024 | Hotline: 0889.066.066

MB chi hơn 1.100 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

MB vừa mua lại trước hạn thành công 2 lô trái phiếu MBBL2229009 và MBBL2229010 với tổng giá trị phát hành lên tới 1.110 tỷ đồng.

Ngày 17/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố văn bản của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, HOSE: MBB) về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn.

Theo đó, ngày 13/5 vừa qua, MB đã mua lại lô trái phiếu trước hạn mã MBBL2229010 với tổng giá trị là 1.010 tỷ đồng. Lô trái phiếu này phát hành năm ngày 13/5/2022, có kỳ hạn 7 năm và ngày đáo hạn là 13/5/2029.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, HOSE: MBB).

Cũng trong ngày 13/5, MB đã mua lại trước hạn lô trái phiếu MBBL2229009 với tổng giá trị mua lại là 100 tỷ đồng. Được biết, lô trái phiếu này phát hành năm 2022, có kỳ hạn 7 năm; ngày đáo hạn theo kế hoạch là 12/5/2029.

Trước đó, từ đầu năm 2024 đến nay, MB đã có 7 lần tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị trái phiếu mua lại (theo mệnh giá) đạt 4.633 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, ngân hàng này cũng đã tích cực phát hành trái phiếu. Lần gần đây nhất là vào ngày 26/4/2024 vừa qua, MB đã phát hành thành công lô trái phiếu mã MBBL2431010 kỳ hạn 7 năm. Khối lượng phát hành là 301 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, giá trị phát hành là 301 tỷ đồng.

Được biết, đây là lô trái phiếu thứ 10 kể từ đầu năm được MB phát hành thành công, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá của cả 10 lô trái phiếu đạt 3.351 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của MB, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, MB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 9.062 tỷ đồng; giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, tổng chi phí hoạt động ghi nhận ở mức 3.514 tỷ đồng, giảm khoảng 54 tỷ đồng so với quý đầu năm 2023.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của MB trong quý I/2024 đạt 5.795 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.624 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí dự phòng rủi ro quý đầu năm nay của MB tăng mạnh từ gần 1.850 tỷ đồng lên 2.707 tỷ đồng Chi phí dự phòng tăng lên trong bối cảnh số dư nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng rất mạnh.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng số dư nợ xấu tại MB là 15.294 tỷ đồng, tăng 56% so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ gần 2.890 tỷ đồng (cuối năm 2023) lên 6.048 tỷ đồng (cuối quý I/2024). Tỷ lệ nợ xấu của MB ở mức 2,49%.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Chứng khoán Vietcap, việc phân loại nhóm nợ theo CIC dẫn đến mức tăng khoảng 80 điểm cơ bản trong tỷ lệ nợ xấu quý 1/2024 của MB, chủ yếu do một khách hàng doanh nghiệp quan trọng bị ngân hàng khác hạ xếp hạng, tuy nhiên doanh nghiệp này không được nêu rõ trong thông báo của Vietcap.

“Khách hàng này vẫn có dòng tiền và đang duy trì thanh toán cho MB, hiện ngân hàng đang làm việc với khách hàng doanh nghiệp này và ngân hàng liên quan để giải quyết và kỳ vọng nhóm nợ của khách hàng này có thể trở lại với mức cũ. MB ước tính tỷ lệ nợ xấu vẫn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phân loại lại theo CIC trong quý 2/2024, khoảng 20 điểm cơ bản”, thông báo của Vietcap nêu rõ.

Trong một diễn biến khác, MB mới đây đã thông báo ngày 24/5 là ngày đăng ký cuối cùng tham dự họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 23/5. Thời gian tổ chức đại hội dự kiến là 15/6 tại Hà Nội.

Nội dung cuộc họp lần này là thông qua số lượng và bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của MB tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái đã xin ý kiến cổ đông về việc đại hội chưa tiến hành các thủ tục bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới và duy trì tư cách thành viên nhiệm kỳ 2019 – 2024 đến khi các lãnh đạo mới được bầu và được cổ đông chấp thuận.

Theo Cao Hậu/ Kinh Tế Chứng Khoán