QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế Việt

Dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác đang là cơ hội ngàn vàng để có thể mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế.

Kiểm soát khá tốt bệnh dịch đang là cơ hội ngàn vàng để có thể nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế. Không còn con đường nào khác hơn là phải mở cửa, nếu chậm hơn thì cái giá phải trả vô cùng lớn.

Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo trực tuyến “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo Kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng 1/10.

Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm trong cả nước đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Trong 9 tháng qua, cả nước có 85.500 doanh nghiệp doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,6%, nhưng có đến 90.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

“Riêng đồng bằng sông Cửu Long, trong 3 tháng qua có gần 90% doanh nghiệp trong vùng tạm ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ sản xuất từ 5-10% công suất. Trong khi chi phí sản xuất mô hình này rất cao vì quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…”, ông Võ Tân Thành phân tích.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê có 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng đông nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các doanh nghiệp khó có thể trụ thêm 3 – 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên trong lịch sử suốt 2 thập kỷ qua, kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê theo quý, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III ước tính âm đến 6,17%, so với cùng kỳ năm trước. “Âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ tới. TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh là trung tâm dịch bệnh có thể âm rất sâu tới 2 con số. Theo dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Kể từ khi TP Hà Nội cho phép các cửa hàng kinh doanh buôn bán hàng thời trang, may mặc, hóa mỹ phẩm, trung tâm thương mại và một số hoạt động khác được phép mở cửa trở lại khiến người dân rất hồ hởi, phấn khởi, nhịp sống lại dần tấp nập. Hầu hết người dân và doanh nghiệp đều mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát, từng bước thực hiện “bình thường mới” nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp cho biết, ngay khi nhận được thông tin về việc Hà Nội cho phép các cửa hàng may mặc, thời trang hoạt động trở lại, toàn bộ các cửa hàng, trung tâm thời trang trên địa bàn thành phố đã khẩn trương dọn dẹp, sẵn sàng phục vụ khách hàng. Các cửa hàng đã liên hệ với đối tác, nhà cung cấp sản phẩm nhanh chóng cung ứng hàng theo mùa vụ nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chia sẻ, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều tới thị trường tiêu thụ nội địa, đặc biệt là hành vi tiêu dùng thay đổi khi những sản phẩm chất lượng cao như veston, sơ-mi ít được lựa chọn mà người dân quay ra sử dụng các mặt hàng áo phông, quần thun và các sản phẩm thông dụng khác do có tâm lý “thắt lưng buộc bụng”.

Do đóng hết các cửa hàng nên doanh thu sụt giảm mạnh, giá trị đơn hàng và đơn giá cũng đều sụt giảm. Riêng 6 tháng đầu năm, doanh thu nội địa của tập đoàn giảm khoảng 20%, còn từ cuối tháng 7 đến khi được mở cửa trở lại khoảng hơn hai tháng doanh thu gần như bằng không do các cửa hàng, trung tâm thời trang bị buộc đóng cửa, dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh.

Tập đoàn xác định, do dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân nên về cơ cấu mặt hàng cũng phải thay đổi rất nhiều, chủ yếu đi vào các mặt hàng đơn giản, giá cả hợp lý. Thời điểm hiện tại đang giao mùa và bước vào vụ thu đông, nhu cầu người dân đối với các sản phẩm có giá trị cao hơn cho nên đây cũng là thời điểm để các cửa hàng, trung tâm thời trang đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và gia tăng doanh thu trong thời gian tới.

Trong bối cảnh “bình thường mới”, tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, Chính quyền các cấp, thì những nỗ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn.

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/mo-cua-thi-truong-tai-khoi-dong-nen-kinh-te-viet-103214.html