QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mở lối giúp hàng Việt vượt “bão” Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát và lan nhanh khắp cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành bán lẻ. Theo đánh giá, dịch bệnh đã khiến số lượng người mua sắm giảm, nhiều cửa hàng đóng cửa, cắt giảm nhân viên, doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng…

Hàng Việt tiếp tục gặp khó

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống bán lẻ, quảng bá tiêu thụ sản phẩm Việt. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 2 con số của thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

Dự báo doanh thu thị trường bán lẻ trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, dịch Covid-19 khiến người dân mất thu nhập, lạm phát tăng cao nên hàng Việt sẽ phải tiếp tục đối mặt với việc sức mua sụt giảm.

Ảnh minh họa

Đồng tình với phân tích này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Vũ Thị Hậu cho hay, với 4 đợt dịch Covid-19, hiện ngành bán lẻ đang rất khó khăn khi doanh thu sụt giảm từ 15-20%. Trong đó, ngành hàng điện máy giảm khoảng 30-40%, nhóm thương mại dịch vụ, hệ thống cửa hàng ăn uống, giải khát giảm 70-80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.

Phản ánh những khó khăn mà DN đối mặt do Covid-19, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú phân tích, việc giãn cách xã hội, ngừng hoạt động nhiều dịch vụ khiến lượng người đi chợ, siêu thị mua sắm sẽ ít hơn. Ngoài ra, thu nhập của người dân giảm sút nên nhu cầu tiêu dùng cũng dần thay đổi theo hướng chỉ mua các mặt hàng ăn uống, tiêu dùng thiết yếu, còn các mặt hàng như may mặc, điện máy, đồ gỗ… rất ít người quan tâm.

Tiếp sức giữa đại dịch

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết dịch C0vid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động thương mại trong nước và được phản ánh qua chỉ số về tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Trong bối cảnh đó, để giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị phần, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp tức thời và lâu dài để hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt. Cụ thể, Bộ hướng dẫn, đề nghị các địa phương sớm xây dựng kế hoạch, kịch bản tiêu thụ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng, kịp thời ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, nhằm đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ để hạn chế hiện tượng ùn ứ hàng hóa, đứt gãy nguồn cung phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và các mặt hàng nông sản của địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn thông qua hoạt động kết nối với hệ thống phân phối, các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp logistics có biện pháp hỗ trợ giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân; và phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông nhằm quảng bá năng lực cung ứng các sản phẩm nông sản có chất lượng, uy tín.

Ngoài ra, triển khai Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021 – “Vietnam Grand Sale 2021” (dự kiến diễn ra từ ngày 1 – 30/9/2021 trên phạm vi toàn quốc) nhằm tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực hướng tới mục tiêu kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước.

Nhằm đưa sản phẩm hàng hoá đến gần hơn với người tiêu dùng, Bộ cũng tăng cường tổ chức các hoạt động bán hàng Việt lưu động tại khu đô thị, khu công nghiệp và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để gia tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng.

Đồng thời chỉ đạo các sàn thương mại điện tử tăng cường hiển thị các sản phẩm nông sản Việt, tổ chức các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng đặc biệt là tiêu dùng nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương.

Ảnh minh họa

Nhiều phương án ứng phó hiệu quả

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm thông tin, 6 tháng đầu năm 2021, hầu hết doanh thu của các DN đều giảm sút do dịch Covid-19. Để ứng phó, các DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong đó có Hapro đang rà soát lại hệ thống bán lẻ, để lại những điểm bán hàng tốt, đồng thời cũng giảm bớt những điểm bán hàng khồng phù hợp qua đó giảm chi phí không cần thiết.

Báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy trong năm 2020 (năm đầu tiên bùng phát dịch Covid-19) có đến 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng 18%. Từ đầu năm 2021 đến nay, 6 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam đã tham gia xây dựng Gian hàng Việt trực tuyến. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga thông tin, hiện Bộ Công Thương đã xây dựng Gian hàng Quốc gia Việt Nam tại các sàn thương mại điện tử.

“Có thể thấy “Gian hàng Việt trực tuyến” như là một “Siêu thị hàng Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử được bảo trợ bởi Bộ Công Thương, sự hỗ trợ đồng hành của các địa phương trong việc tiêu thụ hàng Việt trên khắp mọi miền đất nước thông qua thương mại điện tử” – bà Lê Việt Nga nói.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng bên cạnh việc xây dựng những giải pháp thích ứng Covid-19, còn đòi hỏi DN bán lẻ hình thành chuỗi sản xuất, cải thiện tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đặc biệt là đối với lĩnh vực nông sản. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, phát triển nhanh các tập đoàn phân phối bán lẻ Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường, làm ăn uy tín, mở rộng cửa đón hàng Việt vào để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất Việt một cách công bằng, minh bạch và ổn định lâu dài.

Theo Thu Uyên/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/mo-loi-giup-hang-viet-vuot-bao-covid-19-97807.html