QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mở rộng bảo lãnh trái phiếu của các ngân hàng có thể đối mặt với rủi ro?

Theo thống kê của Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), thời gian qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) có mức tăng trưởng khá mạnh cả về số lượng DN phát hành lẫn nhà đầu tư mua trái phiếu. Kết thúc năm 2018, dư nợ toàn thị trường trái phiếu DN tăng trưởng 53% so với năm 2017, tương đương khoảng 8,6% GDP.  

Trong vòng 2 năm gần đây, làn sóng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ khá mạnh mẽ với các Ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua các công ty chứng khoán trực thuộc.

Mở rộng bảo lãnh trái phiếu của các ngân hàng có thể đối mặt với rủi ro?. Ảnh minh họa

Với sự sôi động của thị trường, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có văn bản khuyến nghị các DN trong ngành này quan tâm nhiều hơn đến phương thức phát hành trái phiếu DN để thay thế nguồn vốn ngân hàng. Trong đó, nghiên cứu đến cả giải pháp phát hành các trái phiếu chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động và cơ cấu lại các khoản nợ của DN.

Theo các chuyên gia ngân hàng, tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng được kiểm soát chặt khi mà dư nợ tín dụng hiện đã tăng lên đến hơn 130% GDP. Bên cạnh đó, tín dụng trung dài hạn cũng được siết chặt lại để phòng ngừa rủi ro.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia đầu tư tài chính, việc ngày càng nhiều công ty chứng khoán (CTCK) (cả công ty độc lập và CTCK trực thuộc NHTM) tham gia vào thị trường tư vấn, phát hành trái phiếu là một xu hướng tích cực. Bởi việc chuyển hẳn nghiệp vụ tư vấn, phát hành trái phiếu cho các công ty con là hợp lý vì vừa thu được phí vừa không phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Hiện nay, mặc dù không có những số liệu thống kê chính thức nhưng phần lớn các trái phiếu DN chỉ phát hành cho một vài nhà đầu tư ban đầu. Kết quả là tiền lãi DN phải trả hàng kỳ đều ở mức trên dưới 10%, không quá cao so với lãi vay từ NHTM. Còn phía nhà đầu tư thì cũng có thể hưởng mức thu nhập tương đương với lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Trong trường hợp các khâu thẩm định hoặc phân phối không được thực hiện tốt, trái phiếu bán chậm hoặc không bán được thì NHTM sẽ trở thành bên cho vay hoặc nhà đầu tư. Khi đó mục tiêu tư vấn sẽ bị biến chất, nguồn vốn của ngân hàng bị ảnh hưởng và làm xáo trộn kế hoạch kinh doanh tín dụng.

Ngoài ra, do mức độ minh bạch thông tin ở nhiều DN hiện nay không cao nên các NHTM tham gia bảo lãnh phát hành trái phiếu cũng có thể đối mặt với những “rủi ro kép” khi tham gia bảo lãnh cho các DN kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả. Bởi nhà đầu tư trái phiếu được phép cầm cố trái phiếu để vay vốn từ chính ngân hàng bảo lãnh.

Theo Văn Khương/Thời báo chứng khoán