QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mua pháo hoa về bắn trong đêm giao thừa có thể bị phạt đến 10 triệu đồng

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời điểm cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tình hình buôn lậu, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ trên các tuyến, địa bàn, vùng biển trọng điểm có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong đó nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ qua biên giới, vùng biển, tập trung tại các tỉnh trọng điểm trên các tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào và vùng biển phía Bắc.

Gần đây nhất, khoảng 21h ngày 29/1/2019, tại khu vực đường liên thôn thuộc địa phận thôn Cây Tắt, xã Sơn Tây, Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phát hiện, bắt quả tang Phan Anh Đức điều khiển xe máy có hành vi tàng trữ 8 hộp pháo hoa, trọng lượng khoảng 15,6 kg.

Qua đấu tranh, Đức khai nhận mua số pháo trên của một người lạ với giá 5,6 triệu đồng về sử dụng trong dịp Tết sắp tới.

Theo Bộ Công an, Quy định tại Điều 5 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo thì các loại pháo, sản phẩm pháo được phép sử dụng tại Việt Nam, bao gồm: Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép;

Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa;

Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự;

Các sản phẩm như pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại pháo hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại, que hương phát sáng;

Các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

Trong khi đó, tại Điều 4 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ;

Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa;

Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo, sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.

Đồng thời, tại Điều 7 quy định cụ thể các trường hợp được phép bắn pháo hoa do các tổ chức, địa phương thực hiện.

Như vậy, theo quy định của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP thì các tổ chức, cá nhân không được phép sử dụng pháo nổ, thuốc pháo nổ; chỉ các tổ chức, địa phương mới được phép tổ chức bắn pháo hoa theo các trường hợp quy định tại Điều 7 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.

Đối với trường hợp cá nhân mua pháo hoa về bắn trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi mua, bán pháo trái phép theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, và hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Theo Văn Sinh/Kinh tế& đô thị