QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mua USD tăng dự trữ ngoại hối: Thận trọng như đi trên băng mỏng

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên tới 65 tỷ USD, tuy nhiên việc tiếp tục mua USD để tăng dự trữ phải hết sức thận trọng, bởi nếu mua quá nhiều Việt Nam sẽ dễ “dính án” thao túng tiền tệ.

Việt Nam có dự trữ ngoại hối hơn 65 tỷ USD

Vài tháng trước, Việt Nam cùng 8 quốc gia khác đã rơi vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát của Mỹ. Nguyên do là Việt Nam đã chạm 2 tiêu chí về thặng dư cán cân thương mại và cán cân thanh toán hiện thời. Nếu chạm thêm một tiêu chí nữa – mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng – Việt Nam sẽ bị xem là quốc gia thao túng tiền tệ.

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu – Ngân hàng BIDV, cho hay đây là thời điểm nhạy cảm và Chính phủ Việt Nam phải hết sức lưu ý điều này.

“Mua ròng ngoại tệ không được quá 2% GDP, tức là đâu đó chỉ khoảng 5 tỷ USD là chúng ta đã chạm ngưỡng này rồi. Năm ngoái ta đã mua khoảng 1,7% GDP.

“Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đang giám sát cực kỳ chặt chẽ điều này. Ta điều tiết phải có vào có ra, có mua có bán. Ta không mua liên tục mà nên gián đoạn và phải chứng minh cho Mỹ thấy rằng tỷ giá thực của Việt Nam không giảm nhiều”, ông Lực nói.

Hồi tháng 5/2019, trong báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng nguy cơ Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ trong lần rà soát tới là rất thấp do nguồn cung USD trong nước không còn dồi dào như trước dẫn đến khó có thể liên tục mua vào USD cho dự trữ ngoại hối.

Bình luận về điều này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nói thêm: Việc tăng cường mua USD sẽ làm USD khan hiếm, điều này sẽ đẩy giá USD lên cao. Giá USD lên cao đồng nghĩa với việc giá VND giảm xuống. Đó bị xem là một kiểu phá giá đồng tiền.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2019, VEPR khuyến nghị rằng việc hạ thấp giá trị của đồng VND để tăng cường thương mại sẽ là quyết định không sáng suốt trong thời điểm này.

“Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường”, báo cáo viết.

Lãi suất và áp lực lạm phát

Theo TS Cấn Văn Lực, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động trung và dài hạn đã có sự tăng trưởng từ 0,2 – 0,7%. Lý do chính thúc đẩy lãi suất tăng là do các ngân hàng đang tăng cường vốn trung dài hạn để đáp ứng quy định mới. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang tiếp tục cơ cấu lại nguồn vốn, trong bối cảnh cho vay trung dài hạn đang chiếm khoảng 50% tổng cho vay toàn hệ thống.

Ngoài ra, nguyên do còn phải nhắc đến câu chuyện phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Đặc biệt là việc số lượng doanh nghiệp (cả niêm yết lẫn chưa niêm yết) phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng qua tăng lên rất nhiều.

“Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng tương đối cao, 8 – 10%, thậm chí 12 – 14%. Điều này làm mặt bằng lãi suất tăng. Chính phủ đã phải yêu cầu kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhằm tránh mặt bằng lãi suất có đột biến”, ông Lực nói.

Ông Lực cũng cho biết dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay về cơ bản lại không tăng. NIM của các ngân hàng đã giảm dần, từ 2,9% của năm ngoái còn 2,75% – 2,8% trong 6 tháng đầu năm nay. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, câu chuyện lãi suất sẽ còn nhiều rủi ro, thách thức.

Về lạm phát, ông Lực cho rằng năm nay lạm phát sẽ khoảng 3,5% – 3,8%. Lý chính là giá dầu có thể tăng 5% – 8% trong năm nay, bên cạnh đó, các quý còn lại sẽ chịu tác động của các diễn biến điều hành giá xăng dầu. Ngoài ra, thời tiết bất lợi cũng có thể làm giá nông sản tăng, xuất khẩu có thể bị chậm lại…

Về tín dụng, ông Lực cho biết trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 7,33%. Con số này thấp hơn cùng kỳ các năm trước (2016: 8,2%, 2017: 9%, 2018: 7,88%) tuy nhiên mức chênh lệch là không quá nhiều.

Theo ông, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp như trên bởi Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13% – 14%, hai là các ngân hàng gặp khó khi vốn chủ sở hữu tăng không tương xứng với tốc độ tăng tín dụng.

“Tăng trưởng tín dụng các năm qua đều 15% – 16% nhưng vốn chủ sở hữu chỉ tăng 9%. Hệ số an toàn vốn ngày càng teo đi trong khi lại phải đáp ứng Basel II nữa”, ông Lực nói.

Ngoài ra, việc tăng trưởng tín dụng không cao cũng xuất phát từ việc các doanh nghiệp hiện nay đã đa dạng được các kênh huy động vốn và bớt lệ thuộc vào ngân hàng. Năm nay, số doanh nghiệp phát hành trái phiếu rất nhiều, thêm vào đó người dân cũng tích cực bỏ vốn ra tự doanh. Trong 6 tháng, vốn khởi nghiệp đã tăng 32%.

Gút lại, ông Lực dự báo năm nay tăng trưởng GDP đạt 6,6% – 6,7%, lạm phát 3,5% – 3,8%. Về tỷ giá, trước đây ông Lực dự báo 2% – 3% tuy nhiên qua các diễn biến trong 6 tháng đầu năm, ông cho rằng biến động tỷ giá sẽ chỉ vào khoảng 1,5% – 2%.

Theo Vĩnh Chi/Vietnam Finance