QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Muốn cổ phiếu là “hoa hậu”, lợi nhuận OCB phải… đẹp

Trước thềm niêm yết, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã báo cáo kết quả kinh doanh trong những tháng đầu năm 2018, với số liệu ấn tượng hơn mức mong đợi, dấy lên nghi vấn “làm đẹp sổ sách”.

Thông thường khi niêm yết cổ phiếu, không ít đơn vị đã “làm đẹp” báo cáo tài chính (BCTC) quá mức, “vẽ” viễn cảnh tươi sáng, để nâng giá tham chiếu chào sàn với nhà đầu tư.

OCB lên “đầu bảng” lợi nhuận như nào ?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, OCB đặt kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HOSE trong quý cuối năm, bỏ qua bước giao dịch trên UPCoM như dự kiến trước đó.

OCB kỳ vọng, vốn hóa thị trường của Ngân hàng sẽ đạt 1 tỷ USD sau khi niêm yết. Nếu kế hoạch đúng như dự kiến, OCB sẽ trở thành ngân hàng thứ 4 niêm yết trên HoSE trong năm 2018, sau HDBank, TPBank và Techcombank.

Chuẩn bị lên sàn, OCB đã hoàn thiện các bước để đưa cổ phiếu lên niêm yết. Mà theo đó, kết quả kinh doanh của ngân hàng này bỗng đẹp lạ thường.

Theo BCTC bán niên 2018 soát xét, lợi nhuận sau thuế của OCB đạt 1.041 tỷ đồng, tăng tới163% so với cùng kỳ năm ngoái (395 tỷ đồng).

Nhờ vậy, OCB đã góp mặt trong danh sách những ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ, vượt mặt cả những gương mặt tên tuổi khác như Sacombank, Eximbank…

Tính trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng lợi nhuận của OCB thậm chí có tốc độ cao nhất toàn ngành ngân hàng. Và cũng vượt xa so với kết quả mà chính OCB đã đạt được trong cả năm 2016 (387 tỷ đồng), và 2017 (816,7 tỷ đồng).

Đóng góp chính vào con số lợi nhuận đẹp của OCB là thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự, đạt 3.597 tỷ đồng, tăng  41% so với nửa đầu năm 2017.

Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng góp phần không nhỏ vào lợi nhuận trong kỳ của OCB, khi đạt 637,5 tỷ đồng, tăng 17,7 lần so với con số gần 34,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Tính tới ngày 30/6/2018, tổng tài sản ngân hàng đạt 90.831 tỷ đồng, tăng 7,75% so với cuối năm 2017; cho vay khách hàng đạt 52.901 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2017 và 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng tại OCB chỉ là 25% trong khi tăng trưởng thu nhập lãi thuần lại cao vượt trội, đạt 41%.

Mới đây, mặc dù chưa công bố con số chính thức, nhưng Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng đã cho hay, OCB tự tin sẽ về đích sớm ở chỉ tiêu lợi nhuận đạt 2.000 tỷ đồng trong năm 2018.

Mặc dù đã cạn room tín dụng, song với kết quả đạt được trong năm 2018, lãnh đạo OCB kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận hàng năm đạt tới 50 – 60% từ năm 2019.

Giá cổ phiếu tăng cao, chủ ngân hàng lãi lớn

Ngày 8/8, OCB kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 20,5% cùng đợt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 14,2%, nhằm huy động nguồn tiền mới từ cổ đông.

Ngay sau đó, ngân hàng tiếp tục đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ  20,5% cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên gấp rưỡi, đạt 7.500 tỷ đồng.

Sau tăng vốn, OCB sẽ đưa 750 triệu cổ phiếu lên sàn, mức giá khởi điểm vẫn còn trong vòng… bí mật. Trên OTC, cổ phiếu OCB đã tăng trong hơn 1 năm qua, từ mức dưới mệnh giá hơn 7.000 đồng/cp lên mức hơn 17.000 đồng/cp hồi đầu năm 2018.

Hiện, với thông tin sắp lên sàn, cổ phiếu OCB tiếp tục tăng giá, hiện dao động quanh mức giá 20.000 đồng/cp, tương đương tăng gấp gần 3 lần so với năm trước.

Vừa qua, phiên đấu giá cổ phần OCB của Vietcombank cũng diễn ra rất thành công với mức giá đấu trung bình đạt 20.501 đồng/cp, giá đấu cao nhất là 22.200 đồng/cp.

Như vậy, OCB sẽ lên sàn với giá khởi điểm là bao nhiêu?

Về lý thuyết, các phương pháp định giá cổ phiếu thường được sử dụng để đưa mức giá tham chiếu hợp lý dựa trên các chỉ số của P/E (hệ số giá trên thu nhập cổ phiếu), P/B (tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách) của doanh nghiệp. Đồng thời có thêm bài tính về mức trung bình ngành, hay mô hình dòng tiền, cổ tức, dòng tiền tương lai…

Như vậy, với mức lợi nhuận “khủng”, kỳ vọng về tương lai như hiện tại, OCB hoàn toàn có thể lên sàn với mức giá “bằng anh, bằng em”. Giả sử với mức giá 2x như hiện tại, thị giá của OCB hoàn toàn có thể được đặt ngang hàng với những “ngôi sao” như MBB (MB), ACB (ngân hàng Á Châu), TCB (Techcombank)…thậm chí là “ông lớn” CTG (Vietinbank).

Trong khi đó, rõ ràng xét về quy mô và vị thế OCB hoàn toàn lép vế so với những ngân hàng nói trên. Mặt khác, tham vọng vốn hóa đạt tỷ USD khi lên sàn là thách thức không nhỏ. Bởi cổ phiếu ngân hàng hiện đã không còn “nóng” như thời điểm đầu năm, ngay cả các ngân hàng lớn cũng đang chật vật tìm đối tác ngoại để bán vốn.

Hiện, các cổ đông hiện hữu của OCB bao gồm: Tổng công ty Bến Thành – Công ty TNHH MTV nắm giữ 6,11%; vợ chồng ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT – nắm giữ mỗi người 3,07% vốn điều lệ ngân hàng, cổ đông khác nắm 71,22% vốn điều lệ.

Ngoài ra, các cá nhân Trịnh Thị Mai Anh và Trịnh Mai Lai – con của ông Tuấn nắm giữ lần lượt 3,07% và 2,73% cổ phần tại OCB. Như vậy, tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Tuấn là gần 12% vốn điều lệ tại ngân hàng, tương đương 9 triệu cổ phiếu (sau tăng vốn).

CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) do ông Tuấn làm Chủ tịch HĐQT hiện cũng đang nắm giữ gần 2,4% vốn điều lệ của OCB.

Đáng chú ý, thông thường tăng trưởng tín dụng thường đi kèm trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng cao, trong 6 tháng đầu năm 2018, khoản mục này của OCB ghi nhận hơn 415 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ.

Nhìn vào cơ cấu cho vay của OCB cho thấy, tín dụng của ngân hàng này chủ yếu tập trung vào mảng cho vay ngắn hạn, hay còn gọi là vay nóng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro…

Tổng dư nợ đến ngày 30/6 đạt 52.900 tỷ đồng. Nợ xấu (nhóm 3-5) chiếm 2,06%, tăng so với mức 1,79% hồi đầu năm, chủ yếu do tăng nợ nhóm 3 và 4.  Trong tương lai, liệu OCB có còn báo lợi nhuận bằng những con số khủng ?

Lưu ý là, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của OCB, dù đã giảm mạnh, nhưng hiện vẫn ở mức đặc biệt cao so với quy mô tài sản của ngân hàng này. Cụ thể, các cam kết ngoại bảng của OCB hiện là gần 30.600 tỷ đồng, giảm so với mức 35.650 tỷ đồng của thời gian trước.

Trên thị trường chứng khoán, không ít trường hợp cổ phiếu lên sàn với một lý lịch đẹp, mức giá hấp dẫn, nhưng ngay sau đó sẽ mang lại quả đắng cho nhà đầu tư, và đây cũng có thể là dịp “thoát hàng” của những cổ đông có chức vị trong doanh nghiệp.

Theo Anh Minh/Thương Gia