QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Muốn thúc Tập đoàn, Tổng công ty cổ phần hoá, Bộ Tài chính sửa quy định liên quan

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, bổ sung quy định: “Trong trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại việc xác định giá trị doanh nghiệp hoặc tạm dừng cổ phần hóa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định xử lý các khoản chi phí cổ phần hóa (đảm bảo đầy đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ) hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”

Đây là nội dung nhằm sửa đổi quy định về xử lý chi phí cổ phần hóa trong Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. Cụ thể, nghị định chưa quy định về xử lý chi phí cổ phần hóa trong trường hợp phải tạm dừng cổ phần hóa hoặc phải xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (như việc dừng cổ phần hóa Tổng công ty thuốc lá, tạm dừng cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam).

Về xử lý một số vấn đề về tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp: Tại khoản 3 Điều 17 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và không thực hiện kết chuyển vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Số dư khoản chênh lệch tỷ giá tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa tiếp tục theo dõi trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần mà chưa quy định về việc xử lý số dư khoản chênh lệch tỷ giá này. Do đó dự thảo Nghị định (khoản 6 Điều 1) bổ sung quy định theo hướng: “Số dư khoản chênh lệch tỷ giá tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xử lý vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần theo quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước”.

Về chính sách bán cổ phần cho người lao động: Nghị định số 126/2017/NĐ-CP chưa quy định khống chế về giá trị cổ phần bán ưu đãi cho người lao động và thời hạn cam kết làm việc của người lao động khi đăng ký mua thêm cổ phần ưu đãi.

Thực tế có trường hợp giá trị của tổng số cổ phần bán với giá ưu đãi cho người lao động vượt quá giá trị phần vốn nhà nước mà theo quy định hiện hành giá trị ưu đãi được trừ vào vốn nhà nước và có người lao động đăng ký mua thêm cổ phần ưu đãi với thời hạn cam kết tiếp tục làm việc tại công ty cổ phần vượt quá độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Nghị định (khoản 14 Điều 1) bổ sung quy định: Tổng giá trị của số cổ phần bán với giá ưu đãi cho người lao động tính theo mệnh giá tối đa không vượt quá giá trị phần vốn nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp; và số cổ phần người lao động được mua thêm quy định được xác định theo thời gian cam kết tiếp tục làm việc tối đa đến hết thời gian làm việc của người lao động theo chế độ lao động quy định tại Bộ Luật lao động hiện hành.

Theo Liên Quỳnh/Thương Gia

Xem bài gốc