Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tưởng chừng bế tắc bất ngờ có bước ngoặt sau cuộc hội đàm cuối tuần qua tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Thỏa thuận “ngừng bắn” với lộ trình cắt giảm thuế quan trong 90 ngày đã đạt được và câu hỏi lớn được đặt ra là: Ai là bên nhượng bộ trước – Washington hay Bắc Kinh?
Một cuộc họp kín nhằm phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra cách đây gần 3 tuần tại tầng hầm trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington, Mỹ.
Cuộc gặp được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị mùa xuân IMF, với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và người đồng cấp Trung Quốc Lan Fo’an, nhằm tháo gỡ tình trạng đình trệ gần như toàn diện trong hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo các nguồn thạo tin.

Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa giới chức hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và phát động cuộc chiến thuế quan.
Các cuộc đàm phán sau đó đã được nâng cấp tại Geneva vào cuối tuần qua, với sự hiện diện của Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Hai bên đã đạt được thỏa thuận “ngừng bắn”, nhất trí cắt giảm thuế quan tổng cộng 115 điểm phần trăm trong vòng 90 ngày tới.
Ai xuống nước trước?
Dù cả Washington và Bắc Kinh đều tuyên bố cứng rắn và sẵn sàng bước vào một cuộc chiến lâu dài, thỏa thuận đạt được đã diễn ra nhanh chóng hơn kỳ vọng. Điều này làm dấy lên câu hỏi lớn: “Ai xuống nước trước?”
Ngày 12/5, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã “tái thiết lập hoàn toàn” quan hệ thương mại với Trung Quốc và gọi đó là một chiến thắng. Trong khi đó, ông Hồ Tích Tiến, cựu Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, lại nhận định đây là “một chiến thắng lớn cho Trung Quốc”.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng chính Mỹ là bên nhượng bộ đầu tiên. “Họ nghĩ rằng có thể áp thuế không giới hạn mà không bị ảnh hưởng, nhưng điều đó đã không đúng,” bà Alicia García-Herrero, Kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis, nhận định.
Theo bà, tốc độ gỡ bỏ thuế tại Geneva phản ánh rõ rệt mức độ tổn thương của cả hai nền kinh tế.

Tình trạng “tách rời” ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng: nguy cơ mất việc ở Trung Quốc, lạm phát leo thang và tình trạng khan hiếm hàng hóa tại Mỹ.
“Thật đáng ngạc nhiên khi thỏa thuận lại được đưa ra nhanh như vậy,” ông Craig Singleton từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định, cho rằng “cả hai bên đều đang bị dồn vào thế khó nhiều hơn họ thừa nhận”.
Dù đạt được thỏa thuận, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với mức thuế cao hơn nhiều so với các đối tác khác của Mỹ. Theo tính toán của Capital Economics, thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ vẫn ở mức khoảng 40%, trong khi Trung Quốc chỉ duy trì mức 25% đối với hàng hóa Mỹ. Điều này đặt ra nghi ngại về khả năng đạt được một thỏa thuận bền vững trong tương lai gần.
Trước các cuộc gặp, ông Bessent từng cảnh báo rằng mức thuế quan hiện tại là không bền vững và chẳng khác nào một lệnh cấm vận thương mại. Tuy nhiên, thỏa thuận “ngừng bắn” đã tạo điều kiện để các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tiếp tục cạnh tranh tại thị trường Mỹ.
Theo ông Alfredo Montufar-Helu, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc thuộc tổ chức tư vấn The Conference Board, nếu thuế giảm xuống khoảng 30%, hàng hóa Trung Quốc có thể lấy lại lợi thế.
Hướng tới thỏa thuận “mua hàng”?
Trước thềm các cuộc đàm phán tại Geneva, ông Bessent cho biết hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện nếu không giảm leo thang căng thẳng.
Nhưng sau thỏa thuận tạm thời, ông đã đưa ra một tín hiệu tích cực, ám chỉ khả năng khôi phục mô hình “thỏa thuận mua hàng” từng được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump – khi Trung Quốc cam kết mua một lượng lớn hàng hóa Mỹ như đậu nành và sản phẩm công nghiệp. Mô hình này từng bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19.

“Cũng có khả năng đạt được các thỏa thuận mua hàng nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương vốn đang ở mức cao nhất”, ông Bessent nhận định.
Ngoài lĩnh vực thương mại, hai bên cũng bắt đầu có tín hiệu hợp tác trong các vấn đề an ninh.
Ông Bessent cho biết, vào cuối tuần qua, Trung Quốc đã tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận về khủng hoảng fentanyl. Một quan chức Trung Quốc đã có cuộc trao đổi “rất sôi nổi và chi tiết” với thành viên nhóm an ninh quốc gia Mỹ. Nếu đạt được thỏa thuận về kiểm soát fentanyl, Bắc Kinh có thể được gỡ bỏ 20 điểm phần trăm thuế quan còn lại do chính quyền ông Trump áp đặt – qua đó đưa mức thuế về ngang với các quốc gia khác xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với các mức thuế quan theo lĩnh vực cụ thể – như thuế đối với xe điện dưới thời Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng được áp dụng tương tự với các quốc gia khác.
Chưa thể thở phào
Dù thỏa thuận tạm thời có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng, các nhà kinh tế cảnh báo rằng mối quan hệ song phương vẫn đầy rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thương mại của ông Trump khó lường. Điều này buộc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng nội địa.

“Đàm phán thương mại Mỹ – Trung sẽ như một chuyến tàu lượn siêu tốc. Thị trường có thể thở phào trong ngắn hạn, nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai”, ông Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cảnh báo.
Trong thời gian 90 ngày đàm phán, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ tranh thủ tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, kéo theo khả năng thặng dư thương mại của Trung Quốc lại tiếp tục gia tăng – một điều có thể làm gia tăng căng thẳng trở lại.
“Giải pháp lâu dài vẫn sẽ là một thách thức. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn quá phức tạp để có thể tháo gỡ chỉ bằng một vài thỏa thuận ngắn hạn”, chuyên gia Robin Xing tại Morgan Stanley nhận định.