Chính phủ Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên về AI tại Geneva.
Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào những rủi ro mới liên quan đến hệ thống AI, cách hai nước xác định “rủi ro” và “an toàn”.
Theo một quan chức, hai bên sẽ trình bày phương pháp tiếp cận trong nước để giải quyết rủi ro và thiết lập các tiêu chuẩn về nguyên tắc và an toàn AI.
Các cuộc hội đàm sẽ không tập trung vào sản phẩm cụ thể, mà thay vào đó là trao đổi quan điểm về các rủi ro kỹ thuật của AI, nguồn tin này cho biết thêm rằng cuộc họp không nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác kỹ thuật hay nghiên cứu chung về AI trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Các cuộc hội đàm diễn ra sau thỏa thuận vào tháng 11 năm ngoái giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự cần thiết phải giải quyết các rủi ro và cải thiện tính an toàn của hệ thống AI. Qua đó thiết lập chương trình nghị sự cho các cuộc hội đàm sắp tới.
Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh và Washington có những ưu tiên khác nhau trong cuộc đối thoại song phương.
Viện nghiên cứu Trung Quốc- Mỹ cho biết trong một lưu ý vào tháng trước rằng: “Đối với Washington, trọng tâm chính là quản lý việc phát triển các mô hình AI tiên tiến, đặc biệt là mô hình rủi ro cao”.
Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh “mong muốn cuộc đối thoại song phương tập trung vào việc hợp tác phát triển AI”.
Theo Tong Zhao, một nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, mặc dù Mỹ không muốn hợp tác phát triển AI, Trung Quốc tin rằng họ có thể nắm bắt thông tin và gia tăng ảnh hưởng thông qua các hội thảo quốc tế. Đây chính là động lực then chốt cho việc Trung Quốc tham gia các cuộc thảo luận này.
Một lý do khác là nhằm “thể hiện Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm, sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực then chốt của quản trị quốc tế “, ông Tong chia sẻ.
Trong các cuộc hội đàm, Mỹ dự định bày tỏ lo ngại về các rủi ro an ninh từ việc Trung Quốc sử dụng AI.
Một quan chức Mỹ cho biết: “Trung Quốc đang triển khai nhanh chóng năng lực trong lĩnh vực dân sự, quân sự, an ninh. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi tin rằng điều này đang làm suy yếu an ninh quốc gia của cả Mỹ và các đồng minh”.
Phía Washington trong những năm gần đây đã cố gắng hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào công nghệ AI. Vào tháng 10 năm 2022, Nhà Trắng đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, hạn chế các nhà thiết kế hàng đầu của Mỹ, chẳng hạn như Nvidia và AMD, bán chip cao cấp dành cho AI và siêu máy tính sang Trung Quốc.
Quan chức Mỹ cho biết, mặc dù các chính sách bảo vệ công nghệ “không được đàm phán”, Washington vẫn sẵn sàng mở diễn đàn để thảo luận về các vấn đề này.
Một quan chức khác nhấn mạnh: “Uy tín của Mỹ trong việc lan tỏa quan điểm đúng đắn về AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy đến quốc tế sẽ được củng cố nếu chúng tôi thể hiện sự cam kết hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc về các vấn đề an toàn và rủi ro liên quan đến AI.”
Tháng 11 năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh ở Anh, hai bên đã ký kết thỏa thuận chung về việc giải quyết các rủi ro tiềm ẩn phát sinh từ AI, góp phần khẳng định cam kết hợp tác trong lĩnh vực này. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hai nước sẵn sàng hợp tác quản lý AI.
Vào tháng 3, Trung Quốc hợp tác cùng hơn 120 quốc gia trong nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về AI, thể hiện cam kết thúc đẩy phát triển AI có trách nhiệm.
Tuy nhiên, nước này lại không tham gia vào nghị quyết về sử dụng quân sự có trách nhiệm của AI do Mỹ dẫn đầu, cho thấy lập trường thận trọng về vấn đề an ninh và kiểm soát AI trong lĩnh vực quân sự.
Mặc dù Washington và Bắc Kinh đều được cho là ủng hộ việc yêu cầu con người tham gia vào các hệ thống ra quyết định cho vũ khí tự hành và đầu đạn hạt nhân, tuy nhiên hai bên vẫn chưa đi đến một thỏa thuận công khai nào về vấn đề này.
Ông Zhao cho biết cộng đồng hoạch định chính sách của Trung Quốc ủng hộ việc giữ con người trong tầm kiểm soát và hạn chế việc sử dụng AI trong các hệ thống vũ khí hạt nhân, tuy nhiên chủ đề này “không có sức hút về mặt chính trị” đối với lãnh đạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận sắp tới vào Thứ Ba, trọng tâm chính sẽ không đặt vào những vấn đề như việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ tiên tiến của Mỹ và sử dụng AI để lan truyền thông tin sai lệch thông qua các công nghệ AI như Deepfake (video giả mạo người thật).