QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Năm COVID: Nhiều nhóm cổ phiếu lên ngôi

2020 là một năm thắng lớn đối với nhiều mã ngành trên thị trường. Cùng với nhóm y tế, chứng khoán, dầu khí… việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công từ quý III/2020 cũng đã tạo nên cơn sốt cổ phiếu ngành đá (KSB, C32), nhựa đường (PLC), thép xây dựng (Hòa Phát) hay nhóm hạ tầng (Cienco4, ACV)…

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tốc độ giải ngân đầu tư công năm 2020 được xem là nhanh nhất trong thập niên vừa qua khi tăng 5,7% đạt 2,16 triệu tỷ đồng và bằng 34,4% GDP. Những đại dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ như 8 dự án thành phần Cao tốc Bắc – Nam, khởi công sân bay Long Thành ngay trong những ngày đầu năm 2021…

Giá dầu giảm khiến nhiều đơn vị dầu khí gặp khó khăn nhưng ngược lại giúp các công ty có nguyên liệu đầu vào dầu khí được hưởng lợi. Đáng kể nhất là nhóm phân bón Đạm Cà Mau (HOSE: DCM) và Đạm Phú Mỹ (HOSE: DPM) có lãi gấp nhiều lần năm trước; giá cổ phiếu DCM đạt đỉnh 14.000 đồng/cổ phiếu trong khi DPM cũng lên mức cao nhất 1 năm đạt 18.800 đồng/cổ phiếu.

Các công ty ngành nhựa như Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong cũng hưởng lợi từ giá dầu thấp giúp cải thiện biên lợi nhuận, giá cổ phiếu leo lên vùng đỉnh 2 năm.

Năm 2020 Việt Nam cũng ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, các hiệp định FTA này giúp nhiều công ty xuất khẩu có thêm lợi thế đáng kể như ngành gạo (Lộc Trời, Trung An), xuất khẩu tôm (Sao Ta), cảng biển và logistics… (Xem thêm ngành gạo, ngành tôm, cảng biển)

Giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới đi xuống, Việt Nam lại trở thành một trong những điểm sáng về thu hút FDI với tổng giá trị hơn 28,5 tỷ USD. Chủ trường “dọn tổ đón đại bàng” đã hỗ trợ đà tăng giá cho nhiều cổ phiếu khu công nghiệp như họ Sonadezi (SNZ), Becamex ( BCM), Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), Idico (IDC), Tân Tạo (ITA)… Giá cổ phiếu nhiều công ty đang được giao dịch với mức giá cao nhiều lần so với đầu năm. (Xem thêm)

Năm 2020 cũng là năm đột biến của các hoạt động đầu tư nguồn điện, hàng loạt dự án tỷ đô về điện mặt trời, điện gió và điện khí LNG ra đời. Nhiều doanh nghiệp trên sàn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, hỗ trợ cho đà tăng mạnh của cổ phiếu như Bamboo Capital (BCG), Tập đoàn Sao Mai (ASM), Hà Đô (HDG), Licogi 13 (LIG)…

Năm 2021: Cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp sẽ dẫn dắt thị trường

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021, ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam đưa ra dự báo, thị trường sẽ tích lũy trong nửa đầu năm và tăng trưởng trong nửa cuối năm. Cơ sở cho dự báo này, đi từ phân tích các yếu tố rủi ro trên thị trường.

Thứ nhất, chỉ số P/E đã tăng đáng kể từ sau năm 2010, dựa trên EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE thì hệ số này đã đạt 17,1 lần (thời điểm 4/12/2020), so với mức 12,4 lần của năm 2010. Sự hồi phục về doanh thu của các doanh nghiệp trong quý 4/2020 và quý 1/2021 sẽ chậm lại. Nếu mức độ ảnh hưởng của COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn thì áp lực sẽ còn tiếp tục và mức định giá có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ hai, xét về cung cầu, quy mô cho vay margin của top 20 công ty chứng khoán bằng 1,7% giá trị vốn hóa thị trường, cao hơn trung bình là 1,4% trong quá khứ.

Thứ ba, nợ xấu của các ngân hàng có khả năng trở thành gánh nặng với thị trường. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19 hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã không phân loại khoản cho vay của ngân hàng vào nhóm nợ xấu ngay cả khi khoản vay đó đủ điều kiện xét vào nhóm nợ xấu.

Quy mô nợ tái cơ cấu (Restructuring Loan) của 7 ngân hàng niêm yết trên HOSE (VCB, BID, CTG, TCB, VPB, ACB, MBB) tính tới cuối quý 3/2020 nếu tính cả nợ xấu (1,68%) đạt mức 5,71% tổng nợ.

Trong tương lai, nếu tác động của dịch COVID-19 suy giảm và các khoản nợ được phân loại một cách bình thường, nợ xấu có thể là gánh nặng không chỉ với các ngân hàng mà còn cho cả sàn HOSE – nơi cổ phiếu ngân hàng chiếm 28,8% vốn hóa thị trường. Tuy vậy, ông Park Won Sang vẫn nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng lớn về khả năng tăng trưởng cao trong năm 2021.

nam covid nhieu nhom co phieu len ngoi
Ông Park Won Sang

Cụ thể, sự dịch chuyển và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của 2 doanh nghiệp hợp tác với Apple là Foxconn và Luxshare, đây được coi là yếu tố tích cực về trung hạn.

Luxshare kể từ 2019 đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất Airpods tại Việt Nam, hiện đang thảo luận và dự kiến trong thời gian tới sẽ sản xuất Airpods Pro và iPhones Mini. Thêm vào đó, việc mở nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn tại Việt Nam đang dần trở thành hiện thực.

Thông tin “Mở rộng thêm 30% sản lượng iPhone trong năm 2021” của Apple làm thị trường có thêm kỳ vọng. Lý do khiến thị trường quan tâm tới những tin tức như vậy, theo ông Park là bởi trong quá khứ, sau khi Samsung đầu tư vào nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam vào năm 2008, rất nhiều quỹ Hàn Quốc cũng tiến vào thị trường Việt Nam.

“Đó là những dự án đầu tư bắt đầu từ lòng tin vào “Việt Nam – Quốc gia được Samsung đầu tư” và “Việt Nam – Quốc gia có nhiều triển vọng”. Cũng giống như vậy, “Việt Nam – Quốc gia được Apple đầu tư” cũng được dự đoán sẽ thu hút nhà đầu tư từ các quỹ của Mỹ một cách mạnh mẽ, thông tin các quỹ đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) thâm nhập thị trường Việt Nam một cách mạnh mẽ vào thời gian gần đây ít nhiều cũng có liên quan tới điều này”, ông Park chia sẻ quan điểm.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại FTA một cách đều đặn, những lợi ích mang lại từ các hiệp định FTA có thể bị trì hoãn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng vẫn được kỳ vọng sẽ có những ảnh hưởng tích cực.

Chính phủ Việt Nam đã xúc tiến thành công và hoàn thành ký kết các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU ( EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ông Park cho biết, giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp hay gián tiếp từ hiệp định FTA trên HOSE chiếm 37,5%. Khi hiệu quả do FTA mang lại được tăng cường, những doanh nghiệp có liên quan cũng được kỳ vọng sẽ có doanh thu tăng trưởng mạnh vào năm tới.

Trong năm 2021, các ngành có khả năng dẫn dắt thị trường có thể kể đến là cổ phiếu của các công ty phát triển bất động sản, công ty vật liệu xây dựng, và cổ phiếu có liên quan tới các khu công nghiệp. Do sau dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam nhiều khả năng sẽ ưu tiên hồi phục ngành xây dựng để khôi phục nền kinh tế. Thêm vào đó, sự quan tâm tới các cổ phiếu được hưởng lợi từ FTA cũng có triển vọng gia tăng. Vì thế, KIS Việt Nam dự đoán rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, dệt may và thủy sản… cũng sẽ dẫn dắt thị trường 2021.

Theo Minh Thuận/ Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nam-covid-nhieu-nhom-co-phieu-len-ngoi-85291.html