QC 1
Thứ 6, ngày 11/10/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngăn chặn hàng ngoại “đội lốt” hàng Việt: “Hàng rào” chưa đủ mạnh

Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) vừa công bố Kết quả điều tra người tiêu dùng (NTD) năm 2018, trong đó nêu rõ hiện tượng nhức nhối hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt.

Sản xuất thép cuộn tại Công ty Thép Hòa Phát. Ảnh: Thu Hương

Điều này không chỉ khiến NTD bị “móc túi” mà còn khiến DN bị mất thị trường, thậm chí phá sản khi đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Giả mạo xuất xứ hàng Việt

Thông tin từ Ban chỉ đạo 389 TW cho thấy, tình trạng hàng Trung Quốc nhập lậu dán nhãn mác “Made in Việt Nam” đang ngày càng “nóng” lên. Cách đây không lâu, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện gần 2.000 chiếc nồi cơm điện, ấm siêu tốc nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên bao bì, sản phẩm ghi sản xuất tại Việt Nam. Mới đây nhất, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phát hiện Nguyễn Huy Thọ (quận Nam Từ Liêm) đã sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng… dán nhãn mác thương hiệu DN Việt Nam để tiêu thụ. Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, nếu lô hàng nhập khẩu trót lọt vào nội địa rồi bán ra thị trường thì NTD thật khó phân biệt nguồn gốc và giá trị.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, hiện có xu hướng hàng hóa nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, hoặc làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh trong nước mà còn tác động không nhỏ tới sự tồn tại và phát triển của DN Việt Nam.

Khi nói về tác hại việc hàng ngoại lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm né mức thuế cao, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa cho biết, để trốn lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ, DN thép Trung Quốc tạm nhập sản phẩm vào Việt Nam để lấy xuất xứ “Made in Việt Nam”, rồi xuất sang Mỹ. Điều này khiến sản phẩm thép Việt Nam đã bị vạ lây khi tháng 5/2018, Bộ Thương mại Mỹ với lý do thép cuộn cán nguội Việt Nam là thép có nguồn gốc Trung Quốc nên đã áp thuế nhập khẩu chống bán phá giá lên đến 199,76%, và thuế đặc biệt lên tới 256,44% cho sản phẩm này.

Hoàn thiện khung pháp lý

Để ngăn chặn tình trạng hàng ngoại núp bóng hàng Việt để tiêu thụ, xuất khẩu, cơ quan quản lý cần hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “Made in Viet Nam”.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về việc ghi nhãn hàng hóa sản xuất trong nước theo hướng cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định. Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Tại Canada, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu dollar Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 – 14 năm.

Trong khi đó tại Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa Việt Nam, đã có hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa với phạm vi điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, không điều chỉnh về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa. Thế nhưng, hiện chưa có quy định về tiêu chí để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “Made in Viet Nam”. Đồng thời có cơ chế phối hợp, bảo đảm huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành trong hoạt động chống hàng nhái nhãn mác. Với sự ra đời của khung pháp lý về vấn đề này, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới. Về phía các DN phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối.

Theo Lê Nam/Kinh tế Đô thị